Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức thành công buổi tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”

Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức thành công buổi tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”

Bản tin NEU

Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức thành công buổi tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”

Tháng 5/2013, Viện Đào tạo Quốc tế đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”. Diễn giả của tọa đàm là hai chuyên gia về ASEAN: Giáo sư Noel Jones1 và Giáo sư Jean-Marc Dautrey2- Đại học Quốc tế Stampford, Thái Lan. Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của các học viên, sinh viên và giảng viên Viện Đào tạo Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đặc biệt là các giảng viên nước ngoài.


Tại buổi tọa đàm, GS. Jean-Marc Dautrey đã tóm lược các đặc trưng cơ bản của ASEAN: sự chia sẻ vùng biển, một khu vực có nền kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đa dạng và phức tạp với những khoảng cách khá xa về sự phát triển của mỗi đất nước, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và do đó cạnh tranh trong khu vực khá gay gắt trên các thị trường xuất khẩu. GS. Dautrey cũng trình bày về các thỏa thuận về thuế và thương mại trong khu vực ASEAN, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam và những ảnh hưởng tiềm tàng. Giải thích về sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (ASEAN Economics Community 2015), GS. Dautrey cho rằng hội nhập kinh tế là lý do chính, là cột trụ chính cho sự hình thành của AEC. Về mặt lý thuyết, AEC 2015 sẽ hợp nhất thị trường ASEAN, tại đó lao động, hàng hóa, dịch vụ và các nguồn vốn lưu chuyển tự do, từ đó tạo ra một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao với sự phát triển hài hòa, đồng đều giữa các nền kinh tế, và hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới.


Phần trao đổi của GS. Dautrey về Cơ hội & thách thức cho Việt Nam – Cộng đồng kinh tế Asean 2015

 

Theo GS. Dautrey, bước đầu tiên trong lộ trình tiến tới AEC 2015 là sự xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN.  Bước tiếp theo là tự do hóa thương mại trong khu vực, tiến tới thành lập Khu vực đầu tư ASEAN với cơ chế tự do để thu hút đầu tư từ bên ngoài. Đó là một viễn cảnh rất đẹp, song để thực hiện được còn rất nhiều thử thách vì sự khác biệt về lợi ích kinh tế, chính trị và những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải trong khu vực.


Tiếp tục phần trình bày của GS. Dautrey, GS. Noel Jones tập trung vào đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là ASEAN và khu vực Đông Á. Ông giới thiệu về xu hướng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua và những thách thức về đầu tư của Việt Nam sau AEC 2015 tại ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông phân tích các thỏa thuận về thương mại và thuế quan giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó chỉ ra ảnh hưởng tới đầu tư của Việt Nam ra các nước khác. GS. Jones đặc biệt chú trọng phân tích tiềm năng ngành du lịch Việt Nam hiện tại và sau AEC 2015mà theo ông, còn rất nhiều để khai thác.


Ngoài ra, GS. Jones cũng chỉ ra rất nhiều ảnh hưởng mà AEC mang lại. Cơ hội đầu tiên là sẽ có những sản phẩm rẻ hơn và những doanh nghiệp bên ngoài gia nhập thị trường, và ngược lại, Việt Nam sẽ có cơ hội gia nhập vào các thị trường khác trong khu vực. Các ngân hàng Việt Nam có cơ hội mở rộng chi nhánh và tìm đối tác tại nước ngoài. Việt Nam sẽ có cơ hội gia nhập vào các hiệp hội sản xuất của khu vực. Sự luân chuyển tự do của lao động chất lượng cao sẽ mang lại những đội ngũ nhân sự đa quốc gia và đa văn hóa tại các nước ASEAN. Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ mất nhân sự chất lượng cao nếu các doanh nghiệp không cạnh tranh tốt.


GS. Jones cho rằng cơ hội tốt nhất mà AEC mang lại cho Việt Nam, nếu biết tận dụng, sẽ là cơ hội phát triển thành trung tâm phân phối, trụ sở của các công ty đa quốc gia, và nơi tập trung của một số ngành công nghiệp (ví dụ như chế biến thực phẩm). Còn những thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt là sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường ASEAN và sự ra đi của nguồn lao động chất lượng.


Phần trao đổi sôi nổi của khán giả với diễn giả GS Noel Jonestại buổi hội thảo


Khán giả đã đóng góp rất tích cực cho các bài trình bày của hai giáo sư Jones và Dautrey. Buổi tọa đàm trở nên rất sôi nổi với những thảo luận về các cơ hội và thách thức trong một số ngành công nghiệp và dịch vụ chủ chốt, về vai trò và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trước và sau AEC 2015 và về các mô hình hợp tác kinh tế giữa các nước và các doanh nghiệp trong khu vực. Các giảng viên Ấn Độ, Malaysia, Philipines của Viện Đào tạo Quốc tế và các giảng viên Việt Nam của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã rất tích cực đóng góp những ý kiến từ góc độ chuyên môn của mình.

GS. Noel Jones là Chủ tịch Tổ chức Xây dựng Năng lực Quốc tế, đã từng là Tư vấn cao cấp tại Phòng Chiến lược và Thay đổi Tổ chức tại Ngân hàng Thế giới. Trước đó ông đã phụ trách Phòng Phát triển Tổ chức và Quản lý tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hiện tại, GS. Noel Jones đang giảng dạy tại ĐH Quốc tế Stamford, Thái Lan.


GS. Jean-Marc Dautrey  giảng dạy tại Khoa Sau Đại học, ngành Kinh doanh, ĐH Quốc tế Stamford, Thái Lan. Là chuyên gia về luật, sở hữu trí tuệ, hợp tác khu vực và quốc tế, ông hiện đang viết sách giáo khoa về ASEAN cho các trường đại học và đã xuất bản một số bài báo về vấn đề ASEAN.

ThS. Lê Thị Hương Lan, Viện Đào tạo Quốc tế

Đang tuyển sinh