TS Nguyễn Trung Tuấn: Kinh tế số dần định hình rõ nét trong các văn bản và thực tiễn cuộc sống
14/03/2021 2021-03-14 8:28TS Nguyễn Trung Tuấn: Kinh tế số dần định hình rõ nét trong các văn bản và thực tiễn cuộc sống
TS Nguyễn Trung Tuấn: Kinh tế số dần định hình rõ nét trong các văn bản và thực tiễn cuộc sống
(TBTCO) – Lâu nay, chúng ta nghe nói rất nhiều đến kinh tế số nhưng
chưa có cơ quan quản lý chuyên biệt mà nằm rải rác tại các bộ, ngành.
Trong khi kinh tế số là kết nối liên ngành. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc
trò chuyện cùng Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Trường Đại học Kinh tế quốc dân TS
Nguyễn Trung Tuấn.
PV: Thưa ông, để Kinh tế số hoạt động hiệu quả, chúng ta có cần phải thành lập cơ quan chuyên ngành Kinh tế số trực thuộc Chính phủ?
Ông Nguyễn Trung Tuấn: Để hoạt động hiệu quả, chúng
ta cần sớm thành lập cơ quan chuyên ngành trực thuộc Chính phủ quản lý
kinh tế số. Cần tập hợp được đội ngũ nhà quản lý, chuyên gia giỏi, có am
hiểu, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để dẫn dắt phát triển.
Điều này đã được thể hiện rõ trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của
Đảng xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, mục tiêu đến
năm 2025 kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP,
đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về Chính phủ điện tử,
kinh tế số. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, ưu
tiên hàng đầu là phải hoàn thiện hành lang pháp lý.
Nếu như giai đoạn trước, chúng ta chỉ nói đến phát triển kinh tế tri
thức thì trong các dự thảo Văn kiện Đại hội lần này đều nhấn mạnh phát
triển kinhtế số, xã hội số. Đây là bước tiến rất quan trọng, cho thấy
chúng ta đã có nhận thức rõ ràng để phát triển thực tiễn hơn, cụ thể
hơn, phù hợp xu thế tất yếu của thế giới, chủ động đón làn sóng Cách
mạng Công nghiệp 4.0.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ, phát triển kinh tế số mới được đặt
ra. Từ năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy
mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản có có liên quan, như
Nghị quyết 41/NQ-CP năm 2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc
phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin… Gần đây, ngày 27/9/2019, Bộ
Chính trị ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách
chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặt mục tiêu đến năm
2025 kinh tế số sẽ đạt 20% GDP…
Kinh tế số đã dần dần được định hình rõ nét hơn không chỉ trong các văn
bản mà cả thực tiễn cuộc sống. Minh chứng là hạ tầng đang dần hoàn
thiện, gần đây nhất đã vận hành mạng 5G. Thương mại điện tử bùng nổ, đặc
biệt trong năm 2020 khi chịu tác động của Covid-19. Khảo sát của
Nielsen cho thấy, trong năm 2020 có tới 53% người dùng ví điện tử thanh
toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đã
xuất hiện rất nhiều hình thức học tập, khám chữa bệnh từ xa dựa trên nền
tảng của chuyển đổi số…
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với
rất nhiều khó khăn. Đó là sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền;
xuất hiện những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong
tiếp cận kinh tế số. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa trên môi trường mạng đặt
ra những thách thức trong bảo vệ thông tin, mất cắp dữ liệu hay nói rộng
ra đó là vấn đề an ninh và an toàn thông tin; các doanh nghiệp khởi
nghiệp (startup) không đủ nguồn lực chống chịu trước làn sóng công nghệ,
không trụ lại được hoặc bị thâu tóm – đó là một “cuộc chơi’ hết sức
khốc liệt…

PV: Thưa ông, để thúc đẩy kinh tế số, trước tiên
là hoàn thiện hành lang pháp lý bởi hiện mới đang ở bước đầu, còn thiếu
rất nhiều. Vậy chúng ta cần có luật về kinh tế số?
Ông Nguyễn Trung Tuấn: Để thúc đẩy kinh tế số, trước
tiên là hành lang pháp lý bởi hiện mới đang ở bước đầu, còn thiếu rất
nhiều. Việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số là vấn
đề không đơn giản vì đây là lĩnh vực liên ngành.
Do vậy, cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm tính bao quát,
năng động, rộng mở, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân sáng tạo, ứng
dụng kết quả của tri thức mà người ta phát triển được để vận hành doanh
nghiệp hoặc hệ thống của họ.
Thứ hai, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm nguồn nhân lực
trực tiếp liên quan hạ tầng như công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để
thích ứng với kinh tế số có yếu tố liên ngành mà trong đó kỹ năng công
nghệ được chú trọng. Muốn có kinh tế số, xã hội số phải có công dân số.
Công dân số phải hiểu, chịu trách nhiệm với hành vi của mình trên không
gian số đó, đồng nghĩa có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để họ thực
hiện.
Các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tập trung hoàn thiện
thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông
lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh hạ tầng
số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa
phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số,
xã hội số. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện…
Phải đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Gần
đây, Việt Nam đã có bước tiến về mạng 5G, song kinh tế số có tính kết
nối và chia sẻ mạnh mẽ, phải bảo đảm hạ tầng truyền dẫn, kết nối vận
hành trơn tru; gắn kinh tế số với các nền tảng công nghệ như Internet
vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… và các thành tựu khác của cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo hiệu quả tại các doanh nghiệp, các
trung tâm nghiên cứu cũng như trường đại học để hỗ trợ phát triển khởi
nghiệp. Có chương trình hành động cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực
để thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh thực hiện khung
kiến trúc Chính phủ điện tử ở tất cả các bộ ngành, địa phương…
Việc đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế số là cần thiết, song Nhà nước
cần có một lộ trình đầu tư phù hợp và cần huy động sự tham gia đầu tư
xứng đáng từ cộng đồng doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, nhân lực nghiệp vụ đóng vai trò quyết
định sự thành công phát triển kinh tế số của các tổ chức, doanh nghiệp.
Việc hình thành từng bước đội ngũ chuyên gia kinh tế số có tầm khu vực
và thế giới để tư vấn cho Quốc hội và Chính phủ đóng vai trò như thế
nào?
Ông Nguyễn Trung Tuấn: Nhân lực nghiệp vụ đóng vai trò
quyết định sự thành công phát triển kinh tế số của các tổ chức, doanh
nghiệp, bởi họ sẽ “đặt hàng” và phối hợp với nhân viên kỹ thuật trong
triển khai các dự án kinh tế số. Vì vậy cần nâng cao nhận thức, kiến
thức và kỹ năng kinh tế số cho đội ngũ quản lý (nhất là quản lý nhà
nước). Qua đó, giúp họ hiểu lợi thế cũng như thách thức triển khai sáng
kiến kinh tế số trong khu vực của mình. Hình thành từng bước đội ngũ
chuyên gia kinh tế số có tầm khu vực và thế giới để tư vấn cho Quốc hội
và Chính phủ.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế số cần thiết lập hệ sinh thái số, tạo
kết nối doanh nghiệp – doanh nghiệp và doanh nghiệp – cơ quan quản lý.
Chừng nào chưa có hệ sinh thái số, chừng đó kinh tế số chưa thể phát
triển hiệu quả.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia
có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, thu hút đáng kể vốn
đầu tư trung hạn từ nước ngoài (FDI). Để khuyến khích tăng trưởng, chính
phủ đã tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới và áp dụng công nghệ tiên
tiến với các chính sách hỗ trợ nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia
không tiền mặt, tăng cường thanh toán số giữa người tiêu dùng, đơn vị
kinh doanh và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Gần đây nhất, Thủ tưởng Chính phủ đã ra Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày
09/03/2021 về việc Phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn
thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đây là một
bước tiến lớn trong lộ trình hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt,
thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của kinh tế số và là một hành động
đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII vào cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lan Hương