TS Đoàn Xuân Hậu: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
31/08/2021 2021-08-31 10:50TS Đoàn Xuân Hậu: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
TS Đoàn Xuân Hậu: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
(HNM)
– Khởi nghiệp sáng tạo đã và đang là động lực thúc đẩy kinh tế nước ta
nói chung và Hà Nội nói riêng phát triển bền vững. Phóng viên Báo
Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đoàn Xuân Hậu (Trường Đại học
Kinh tế quốc dân Hà Nội), Chủ nhiệm đề tài: “Thực trạng, giải pháp chủ
yếu nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng
tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030” xung
quanh vấn đề này.

chính sách về khởi nghiệp sáng tạo” được tổ chức trực tiếp tại Trường
Đại học Kinh tế quốc dân và trực tuyến với các điểm cầu trên toàn quốc
ngày 10-7-2021.
– Ông có thể cho biết các doanh nghiệp
khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng ở Hà Nội đang
hoạt động như thế nào?
– Khởi nghiệp sáng tạo (startup) thường
gắn liền với việc tạo ra các doanh nghiệp mới, các sản phẩm, dịch vụ mới
hoặc quy trình hoạt động, công nghệ, thị trường mới, giúp nâng cao năng
lực đổi mới, năng lực cạnh tranh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở
nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Ở Việt Nam, làn sóng khởi
nghiệp cũng mang lại hiệu ứng lan tỏa rất tích cực, góp phần giải quyết
bài toán việc làm, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng sáng tạo
và năng động hơn, cập nhật những xu hướng mới của thế giới…
Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ khởi
nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội nhận được sự quan
tâm lớn của các cấp, ngành. Theo thống kê, trong 4 năm gần đây, mỗi năm
Hà Nội có từ 25.000 đến 28.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, số
doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu
tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1%) và phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp
hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2020 và 2021, các
doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo gặp rất nhiều khó khăn,
nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng thông
qua việc cắt giảm nhân sự, giảm lương, trả mặt bằng văn phòng hoặc tìm
địa điểm có chi phí thấp để cầm cự qua đại dịch Covid-19.
– Các chính sách và môi trường kinh
doanh của thành phố Hà Nội đã đủ mạnh và thực sự hỗ trợ để doanh nghiệp
khởi nghiệp sáng tạo phát triển chưa, thưa ông?
– Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có
nhiều hoạt động, chương trình, đề án thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng
tạo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp
ở Hà Nội mới đạt được một số kết quả bước đầu và cần phải thúc đẩy mạnh
mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu
thực hiện cho thấy, doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận, huy động các
nguồn lực tài chính để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố chỉ
đạt ở mức 2,57 điểm/5 điểm và doanh nghiệp cũng không dễ dàng tiếp cận
các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ (chỉ đạt 2,4 điểm/5
điểm).
– Vậy, đề tài của ông đã đề xuất các
giải pháp gì để phát triển vànâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh
nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội?
– Để thúc đẩy, khuyến khích phát triển và
nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,
trong thời gian tới thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải
pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và bổ sung
các chính sách cụ thể với từng giai đoạn khởi nghiệp. Thứ hai, cần phân
tích và đánh giá những ngành hoặc lĩnh vực nào mà hoạt động khởi nghiệp
có nhiều khả năng thành công. Thứ ba, lựa chọn một số trung tâm, vườn
ươm đang hoạt động tốt để làm hạt nhân phối hợp với các quốc gia trong
khu vực và quốc tế, nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Thứ tư,
cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong việc
thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, vườn ươm, phòng thí
nghiệm…
Thứ năm, Hà Nội cần hỗ trợ vốn cho các
startup trong năm đầu tiên và có hình thức khuyến khích các doanh nghiệp
lớn, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn vào các
startup có khả năng phát triển, mở rộng quy mô, thị trường ở các năm
tiếp theo. Thứ sáu, tiếp tục xây dựng khu làm việc chung gần các trường
đại học lớn, hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại
phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…
Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động truyền thông
về các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công, có chính sách đưa
các sinh viên xuất sắc đến thực tập, tham quan tại các doanh nghiệp hàng
đầu, như: Viettel, FPT, Vingroup… Thứ tám, nên có các chương trình
trợ cấp khác nhau, như chính sách bồi thường rủi ro, bồi thường thiệt
hại thực tế của các nhà đầu tư hạt giống và nhà đầu tư ở giai đoạn đầu
của các quỹ mạo hiểm. Đặc biệt, thành phố nên khuyến khích các ý tưởng
mới, ý tưởng đột phá, nhằm phát triển Hà Nội theo mô hình thành phố
thông minh, thành phố có chất lượng cuộc sống cao.
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư
vấn, hỗ trợ giúp các startup vượt qua khó khăn do thiếu các kiến thức
cần thiết về kinh tế, quảng bá và kết nối mạng lưới. Hỗ trợ đào tạo,
huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư;
tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật, đo lường, chất lượng…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: Báo Hà Nội mới