Triển vọng hợp tác về khởi nghiệp theo hướng bền vững và kinh tế tuần hoàn giữa Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức)

Triển vọng hợp tác về khởi nghiệp theo hướng bền vững và kinh tế tuần hoàn giữa Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức)

Bản tin đơn vị

Triển vọng hợp tác về khởi nghiệp theo hướng bền vững và kinh tế tuần hoàn giữa Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức)

Nhận lời mời của Ban Giám hiệu Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức), từ ngày 23 đến ngày 29/9, PGS.TS Đỗ Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang và Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên đã đến học tập kinh nghiệm và nghiên cứu mô hình thực tế về du lịch theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại vùng Eberswalde (CHLB Đức) và trao đổi các chương trình hợp tác để phát triển bền vững lĩnh vực du lịch của tỉnh Hà Giang cũng như định hướng hợp tác về thúc đẩy khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn giữa các bên trong thời gian tới.

Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Hoàng Gia Long – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Đỗ Anh Tài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh Doanh, Đại học Thái Nguyên cùng một số cán bộ đại diện các đơn vị chức năng quản lý lĩnh vực du lịch của tỉnh…

Đại học Phát triển bền vững Eberswalde (CHLB Đức) được thành lập vào năm 1830. Trải qua hơn 190 năm phát triển, trường đã trở thành Đại học uy tín, hàng đầu tại Đức về đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực phát triển bền vững, KTTH, quản lý du lịch bền vững…

Tại đây, Đoàn công tác đã có buổi trao đổi và thảo luận với lãnh đạo, các chuyên gia của Đại học Phát triển bền vững Eberswalde với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn: Quan điểm của các quốc gia, sự phối hợp và các cơ hội hợp tác”.

Quang cảnh tại buổi làm việc

Về quan điểm và kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc phát triển du lịch bền vững theo hướng tuần hoàn, theo Giáo sư Hans Peter  Benedick, Trưởng khoa Kinh doanh bền vững và Giáo sư Uwe Demele, Chuyên gia về quản lý du lịch bền vững  “Du lịch tuần hoàn” là một chuỗi cung ứng, hoạt động, trải nghiệm khép kín, có tính liên hoàn, bổ sung cho nhau. Mục tiêu cao hơn của du lịch tuần hoàn là thông qua các mô hình, sản phẩm nhằm giảm thiểu rác thải, phục dựng tài nguyên; chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên du lịch đã sử dụng… hướng đến du lịch xanh và bền vững. Việc phát triển du lịch theo hướng KTTH có thể thúc đẩy hoạt động du lịch xanh – sinh thái nông nghiệp bền vững, giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, khuyến khích việc cung ứng sản phẩm địa phương, giảm thiểu chất thải, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu thuộc các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và vùng, khu vực… Cần có chính sách, cơ chế liên kết giữa các bên liên quan để gắn bó trách nhiệm và lợi ích một cách khoa học, phù hợp, minh bạch và hài hòa trong phát triển phát triển du lịch theo hướng KTTH. Cần thiết lập một hệ sinh thái số hỗ trợ du lịch tuần hoàn, kết nối doanh nghiệp với cơ sở lưu trú, với người nông dân, thợ thủ công bản địa hướng đến việc bảo vệ lâu dài bản sắc văn hóa dân tộc thông qua thực hành thiết kế sinh thái, bảo tồn năng lượng, cung cấp các cơ sở dịch vụ xanh, chất thải xử lý sinh thái và tiêu dùng xanh.

Chia sẻ một số định hướng hợp tác giữa các bên trong việc thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch theo hướng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp theo hướng phát triển bền vững nhằm thực hiện 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các mô hình khởi nghiệp trong du lịch và nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được các bạn trẻ theo đuổi và đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương. Trong thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với vai trò là chủ thể có uy tín và có tiếng nói trọng lượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội ở Việt Nam thông qua Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội đã có nhiều hoạt động thực tiễn để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tạo tác động xã hội. Từ năm 2021 – 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã hỗ trợ cho hơn 60 doanh nghiệp khởi nghiệp với mô hình kinh doanh tạo tác động về xã hội và môi trường, trong đó có khoảng 10% doanh nghiệp có mô hình kinh doanh kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy phía Việt Nam nói chung và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể hợp tác cùng Đại học phát triển bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng mô hình khởi nghiệp liên ngành gắn du lịch với nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, năng lực chuyển đổi mô hình kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn và vận hành mô hình này hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng mà vẫn đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững. Đồng thời, các bên có thể cùng hợp tác để đào tạo lực lượng doanh nhân tương lai có khả năng khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng đòi hỏi cũng như xu thế tất yếu, khách quan và không thể đi ngược của thị trường thế giới. Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội hi vọng hai bên có thể hợp tác cùng ươm tạo và trao đổi các dự án khởi nghiệp của sinh viên theo hướng kinhtế tuần hoàn trong thời gian tới.

Trong chuyến công tác, Đoàn cũng đã tham quan mô hình thực tế về du lịch theo hướng KTTH tại vùng Eberswalde; các mô hình nghiên cứu sáng tạo, điển hình tại Đại học Phát triển bền vững Eberswalde. Những trao đổi, thảo luận đã cung cấp kinh nghiệm quý báu trong phát triển du lịch bền vững theo hướng KTTH.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại học phát triển bền vững

Bài và ảnh: Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội

Đang tuyển sinh