Trao đổi về “Thời gian biểu mới” của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Trao đổi về “Thời gian biểu mới” của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Trao đổi về “Thời gian biểu mới” của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Ngày 10/6/2019, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã ký quyết định số 1187/QĐ-ĐHKTQD về việc lập kế hoạch, thời gian biểu giảng dạy, học tập bậc đại học hệ chính quy từ năm học 2019-2020. Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đã trao đổi về việc triển khai thực hiện “Thời gian biểu” giảng dạy và học tập mới này.

PV: Thưa PGS, cơ sở nào để nhà trường quyết định triển khai “Thời gian biểu” mới trong giảng dạy và học tập với sinh viên hệ chính quy.

PGS Bùi Đức Triệu: Trong những năm qua, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng năng động và hội nhập của nền kinh tế, nhà trường đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập cùng với đó là rà soát, đổi mới công tác lập kế hoạch giảng dạy và học tập (gọi tắt là Thời gian biểu). Thời gian biểu hiện hành đã áp dụng nhiều năm qua đã bộc lộ một số bất cập và việc ban hành, triển khai Thời gian biểu mới cũng không ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nói trên.

PV:Xin PGS nói rõ thêm về những bất cập nào trong Thời gian biểu hiện hành?

PGS Bùi Đức Triệu: những bất cập nào trong Thời gian biểu hiện hành thể hiện qua một số điểm sau:

Thứ nhất về Thời gian biểu trong ngày:

  • Việc bốtrí tiết học 50 phút, nghỉ 5 phút là quá ngắn, rất khó thực hiện;
  • Việc bố trí 5 tiết/01 buổi sáng hoặc chiều (hệ chính quy chủ yếu học sáng và chiều), các block 3 tiết/2 tiết không bằng nhau, dẫn đến việc giảng viên/sinh viên ít khả năng kết hợp 02 lớp/01 buổi được và phải đi lại nhiều lần.  

    Thứ hai về Thời gian biểu tuần, học kỳ, năm học:

  • Học kỳ chính kéo dài 16 tuần, nhịp độ học thưa (01buổi/tuần/học phần) làm cho tính tập trung thấp có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo (hệ chính quy/học tập trung/full time). Kế hoạch năm học cho thấy không còn thời gian cho các hoạt động cần tập trung khác như đi thực tế, thực tập giữa kỳ, hoạt động ngoại khóa và các hoạt động tập trung khác của GV và SV,…
  • Không có tuần dự trữ để giảng bù cho những buổi nghỉ học vì lý bất khả kháng (trùng vào các ngày nghỉ Lễ trong năm, giảng viên ốm, vv…).  
  • Nếu giảng dạy và học tập vào kỳ phụ (hè) thì không có nghỉ hè theo thông lệ.  
  • Một số bất cập khác nữa như  tính đồng bộ của các hoạt động như Khai giảng (khóa cũ học từ giữa tháng 8, khóa mới từ đầu tháng 9)…  

PV: Thưa PGS, nội dung cốt lõi của việc đổi mới Thời gian biểu là gì?

PGS Bùi Đức Triệu: Nội dung thay đổi cốt lõi của Thời gian biểu mới so với cũ là “ tiết học 60 phút, 02 tiết/01 buổi học phần và 01 học phần học 02 buổi/tuần”.

PV: Còn về tính hiệu quả và lợi ích khi triển khai Thời gian biểu mới, thưa PGS?

PGS Bùi Đức Triệu: tính hiệu quả và lợi ích của Thời gian biểu mới thể hiện ở một số đặc điểm sau:

Thứ nhất về Thời gian biểu trong ngày:

  • Tiết học 60p, giải lao 10p/tiết, hợp lý hơn so với trước;
  • Buổi sáng/chiều học 4 tiết chia thành 02 block, mỗi block học 2 tiết/01 học phần, tạo thuận lợi xếp lịch giảng, có thể ghép 02 lớp/01 buổi, giảm chi phí đi lại,…   
  • Thời gian nghỉ trong ngày tăng lên (70 phút), kết thúc sớm hơn vào 20h40;   

    Thứ hai về Thời gian biểu tuần, học kỳ, năm học:

  • Tuần học 02 buổi/01 học phần làm tăng tính tập trung có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong giảng dạy và học tập
  • Học kỳ chính còn 12 tuần học, rút gọn được 04 tuần/kỳ, 08 tuần/năm học, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch công việc năm. 

PV: Thưa PGS, còn về những khó khăn, bất cập có thể gặp khi triển khai Thời gian biểu mới?

PGS Bùi Đức Triệu: Khó khăn lớn nhất khi triển khai Thời gian biểu mới chính là việc làm sao để cán bộ giảng viên và sinh viên thấu hiểu mặt tích cực của việc đổi mới này, do chúng ta đã quá quen với nền nếp cũ, các kế hoạch cá nhân vốn đã định sẵn phải sắp xếp lại.  

PV: Có ý kiến cho rằng, học 01 học phần 02 buổi/tuần có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập? Ý kiến của PGS về vấn đề này thế nào?

 PGS Bùi Đức Triệu: Thời gian biểu hiện hành 01 học phần học 01 buổi/tuần, kéo dài 16 tuần gây loãng, thiếu tập trung. Tìm hiểu ở các trường đại học nước ngoài, sinh viên cũng thường học 01 học phần 02 buổi/tuần. Việc tập trung học toàn thời gian (full time) sẽ đem lại hiệu quả và chất lượng cao hơn.

PV: 01 học phần 02 buổi/tuần, nếu sinh viên trung bình học 6 môn, nghĩa là 12 buổi/tuần, như thế có quá nhiều không, thưa PGS?

 PGS Bùi Đức Triệu: Phân biệt “Buổi học phần” với “Buổi sáng/Buổi chiều”, 01 học phần học 02 buổi/tuần, nghĩa là học 4 tiết 60 phút/tuần, chia thành 02 buổi. Như thế mỗi buổi sáng (hoặc chiều) 4 tiết thì học được 02 học phần. Nếu SV học 6 môn (học phần)/kỳ thì sẽ học 6 x 2 x 2 = 24 giờ/tuần, trung bình 01 buổi (4h)/ngày, tuần học 6 buổi, theo tôi không phải là quá nhiều vì ở phổ thông các em vẫn đang học như vậy.

PV: Có ý kiến cho rằng, học 02 buổi/tuần/học phần làm gia tăng chi phí  đi lại của giảng viên và sinh viên, ý kiến của PGS về vấn đề này thế nào?

 PGS Bùi Đức Triệu: Như trên đã nói, nếu xếp được lịch học 02 học phần/01 buổi (sáng hoặc chiều) thì sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, việc học 02 buổi/tuần/học phần làm tăng khả năng xếp được lịch học này. Ví dụ lịch cũ SV học 6 HP/tuần, 16 tuần/học kỳ, số lần đi lại có thể lên đến 16 x 6 = 96 lần, lịch mới nếu xếp được 02 buổi học 02 học phần/01 buổi, học 10 tuần/kỳ thì số lần đi lại sẽ là 10 x 4 x 2 = 80 lần (giảm được 16 lần), nếu xếp được số buổi học 02 học phần tăng lên thì số lần đi lại sẽ tiếp tục giảm. Với giảng viên cũng tương tự như vậy.

PV: Có ý kiến cho rằng, học 02 buổi/tuần/học phần làm SV không đăng ký học được tối đa (25 tín chỉ/học kỳ), hạn chế cơ hội ra trường sớm của SV?

 PGS Bùi Đức Triệu: Hiện tại chương trình đào tạo thiết kế 4 năm, 130 tín chỉ, 01 kỳ thực tập 10 tín chỉ, còn lại bình quân 7 kỳ học các em học 18 tín chỉ/kỳ. Nếu SV học 25 tín chỉ/kỳ thì chỉ cần 2,5 năm có thể tốt nghiệp (không cần học thêm kỳ hè). Những năm qua mới chỉ có 1,2 trường hợp tốt nghiệp sau 3 năm, còn lại chỉ khoảng 15% sớm được 1 kỳ (3,5 năm), số muộn 1 kỳ nhiều hơn số sớm. Thời gian biểu mới này cũng có mục tiêu tăng tỷ lệ (%) sinh viên tốt nghiệp (kỳ vọng là 3 năm), điều này là hoàn toàn có thể vì (18 tín chỉ x 6 kỳ) + 12 tín chỉ 01 kỳ phụ (hè) + 10 tín chỉ thực tập (kết hợp trong hè hoặc trong kỳ)  = 130 tín chỉ.

PV: Xin hỏi PGS câu cuối cùng, có nhiều ý kiến về việc học 02 buổi/tuần/học phần làm cho sinh viên (các khóa đang học) không còn thời gian để đi làm thêm trong học kỳ học tập. Ý kiến của PGS về vấn đề này thế nào?

PGS Bùi Đức Triệu: Nhà trường và cá nhân tôi luôn ủng hộ việc các em đi làm thêm ngoài giờ học tập, vì việc này giúp các em trải nghiệm và có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình và bản thân. Tuy nhiên vì các em là sinh viên hệ chính quy, học tập trung (full time) nên học tập là nhiệm vụ chính, tập trung học các em sẽ sớm ra trường. Với một số em đang đi làm thêm (cố định), thời gian biểu mới có thể làm gián đoạn các công việc này, nhưng tôi tin, các em có thể sắp xếp lại được và ở mức độ nhất định phòng Quản lý đào tạo sẽ hỗ trợ các em những gì có thể.

Đổi mới luôn là việc khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn, quyết tâm, tôi tin tưởng khi triển khai Thời gian biểu mới này, tính hiệu quả và những lợi ích lớn hơn sẽ phát huy, những băn khoăn, do dự sẽ được giải đáp. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, nhà trường luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của cán bộ giảng viên và sinh viên toàn trường để có điều chỉnh phù hợp.

PV: Xin cảm ơn PGS

Phòng QLĐT và Phòng Truyền thông

Đang tuyển sinh