Tọa đàm Xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật

Tọa đàm Xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Tọa đàm Xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật

Sáng ngày 23/6/2023, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội thảo Tọa đàm Xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật.

Quang cảnh Toạ đàm

Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có, TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT; bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội; cùng đại diện một số Bộ, ngành; đại diện các viện nghiên cứu, đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài liên quan đến người khuyết tật.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị – xã hội trong toàn trường.

TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT phát biểu

Phát biểu khai mạc, TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chung tay của các bên trong việc xóa bỏ các rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật trong thời gian qua.

Đánh giá việc thực hiện, xây dựng chính sách liên quan đến người khuyết tật, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí cho biết: Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Hiện nay, hệ thống chính sách về giáo dục người khuyết tật tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện.

Những năm gần đây, hoạt động trợ giúp giáo dục người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Các rào cản trong xã hội, trong giáo dục người khuyết tật từng bước giảm dần, quyền người khuyết tật ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật hiện nay, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật còn gặp nhiều bất cập, khó khăn, đặc biệt là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật.

Hệ thống quản lý, chỉ đạo chưa đồng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn nhiều hạn chế. Việc chi trả các chế độ cho học sinh khuyết tật chưa được thuận lợi. Triển khai thành lập các trung tâm ở nhiều tỉnh, thành phố còn gặp các khó khăn, vướng mắc…

Phó Vụ trưởng Tạ Ngọc Trí nhận định: Tạo điều kiện thuận lợi, xóa bỏ rào cản trong xã hội đối với người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật là việc làm quan trọng và cần thiết. Do đó, tọa đàm là cơ hội để đưa ra những dẫn chứng, thực tế về các chính sách, pháp luật đã được thực thi trong thời gian qua cũng như nhận biết những rào cản, bất cập trong chính sách hiện nay để cùng góp ý, kiến nghị, tham vấn để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, điều chính, xây dựng chính sách phù hợp trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy – Đại học Carleton chia sẻ tại toạ đàm

PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy – Đại học Carleton chia sẻ tại tọa đàm cho hay: Trong thời gian đầu của nghiên cứu Dự án EDID – dự án liên quốc gia và nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam trong bối cảnh của Công ước về Quyền của người khuyết tật, cho kết quả là phần lớn phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong dự án có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, chương trình và dự án liên quan đến người khuyết tật nhiều hơn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, sự tham gia và cơ hội đó không đồng đều giữa các vùng, miền, giai tầng và độ tuổi. Phụ nữ khuyết tật thuộc các nhóm dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản liên quan đến sự giao thoa giữa giới, dân tộc và khyết tật, hạn chế sự tham gia của họ trong các không gian văn hóa, chính trị, xã hội. Căn cứ vào những nghiên cứu đầu tiên PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần rà soát lại các văn bản liên quan, góp ý, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tập tại Việt Nam.

PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH KTQD phát biểu

Bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội phát biểu

Bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Người khuyếttật TP Hà Nội cho biết, đơn vị này trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao năng lực cho người khuyết tật, giúp họ có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng và đã gặt hái được những kết quả tích cực bước đầu.

Tuy nhiên, do nguồn lực có giới hạn nên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Theo bà Huyền, thông qua dự án này, Hội có thể tham gia chia sẻ để vận động chính sách phù hợp nhất. Kết quả của dự án đây là cơ hội để nâng cao năng lực về nghiên cứu và huy động sự tham gia và xây dựng mối quan hệ giữa các bên.

Lãnh đạo Trường và các đại biểu tham dự Toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế đã tham gia trao đổi, tham luận, đóng góp ý kiến, đề xuất liên quan đến các vấn đề chính sách giáo dục; chính sách giáo dục nghề nghiệp; tiếp cận giáo dục và rào cản; chính sách hỗ trợ…cho người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai, thực hiện các quy định trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Đang tuyển sinh