Tọa đàm khoa học quốc tế “Phát triển thương hiệu hàng may mặc – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc”
09/01/2020 2020-01-09 15:50Tọa đàm khoa học quốc tế “Phát triển thương hiệu hàng may mặc – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc”
Tọa đàm khoa học quốc tế “Phát triển thương hiệu hàng may mặc – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc”
Chiều ngày 08/01/2020, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Toạ đàm khoa học quốc tế “Phát triển thương hiệu may mặc – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc” do Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hiệp hội Đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc và Trường Đại học Jeonju – Hàn Quốc đồng tổ chức.
Tham dự toạ đàm, về phía Hiệp hội đánh giá Doanh nghiệp Hàn Quốc có ông Cho Keeheon – đại diện Hiệp hội. Về phía Trường Đại học Jeonju – Hàn Quốc có GS. Ju Jeongah và GS. Seo Sangwoo – KhoaCông nghệ thời trang; GS. Kim Hyun dong – Khoa xây dựng và phát triển thương hiệu. Về phía đại biểu ngoài trường có đ/c Cao Bảo Anh – Cục Công nghiệp, Bộ Công thương; cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; đại diện lãnh đạo công ty Cổ phần May Hưng Vũ. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng; TS Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh; cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên và sinh viên đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Jeonju – Hàn Quốc.
PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu khai mạc toạ đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ chia sẻ, trong nhiều năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dệt may Việt Nam đã có những bứt phá tại các thị trường khác. Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống, các mặt hàng có giá trị tăng cao cũng có tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, là ngành công nghiệp thâm dụng lao động, ngành Dệt may Việt Nam đang phải đối diện không ít khó khăn thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp dệt may rất phát triển, bởi vậy thông qua toạ đàm, PGS Phó Hiệu trưởng hi vọng đây sẽ là là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tại Việt Nam – Hàn Quốc cùng nhau đưa ra các giải pháp tiên tiến, chia sẻ kiến thức và trao đổi về thực trạng ngành dệt may Việt Nam, tìm ra những cơ hội và thách thức của dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghiên cứu thị trường hàng may mặc của Việt Nam và phát triển các thương hiệu hàng may mặc của Việt nam và Hàn Quốc, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
TS. Trần Thị Mai Hương – Phó Giám đốc TT Nghiên cứu Tư vấn KT và KD trình bày tham luận “Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”
Ths Vũ Đức Tân – Phó Trưởng khoa Công nghệ sợi dệt – Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội trình bày tham luận “Thực trạng và định hướng phát triển ngành dệt may Việt Nam”
Các đại biểu tham dự toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Trước đó, PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban đã có buổi tiếp đón và trao đổi cùng đại diện Hiệp hội Đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc và đại diện Trường Đại học Jeonju. Tại buổi làm việc, các bên đã cùng nhau trao đổi thêm về các cơ hội hợp tác cũng như các chương trình đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên. Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Bùi Đức Thọ hi vọng thông qua Toạ đàm, Hiệp hội Đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc và Trường Đại học Jeonju – Hàn Quốc sẽ là cầu nối không chỉ cho sinh viên của Nhà trường mà còn giúp cho các doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường Hàn Quốc và cung ứng những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang Hàn Quốc, đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam và phát triển việc giao thương ngày càng mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Một số hình ảnh tại buổi tiếp đón:
Cũng trong khuôn khổ chương trình, sáng ngày 08/01/2020 đoàn cán bộ Trường Đai học Jeonju Hàn Quốc; Hiệp hội đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc cùng Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các bạn sinh viên của hai trường đã có buổi thăm quan thực tế và trải nghiệm quy trình sản xuất Dệt may tại Tổng Công ty may Bắc Giang.
Đại diện các đơn vị và sinh viên tham quan trải nghiệm tại Tổng Công ty may Bắc Giang
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông