Thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ
10/11/2022 2022-11-10 10:16Thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ
Thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ
Chiều ngày 10/11/2022, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ: Thực trạng và xu hướng”. Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế quốc dân thông qua Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội đồng phối hợp với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Viện Công nghệ Quốc tế, Đại học Đà nẵng, Viện hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp tổ chức.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trương Thị Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội; PGS.TS Đỗ Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; cùng đông đảo các cán bộ giảng viên và các sinh viên của Nhà trường.
Về phía khách mời ngoài trường có sự hiện diện của PGS.TS Phan Tiến Dũng – Trưởng Ban ứng dụng và phát triển công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; PGS.TS Đỗ Anh Tài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên; TS. Đỗ Đình Long – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các em sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động xã hội, đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định tầm quan trọng của việc khai thác tài sản trí tuệ trong kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Tài sản trí tuệ có mặt và đóng vai trò thúc đẩy hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế hữu hình thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn, đầu tư… và là cơ sở quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và những biến động có khả năng ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu như hiện nay thì cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về tài sản trí tuệ.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng cũng cho biết, trong những năm qua, nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự nỗ lực của tất cả các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng mạnh mẽ.các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng mang nhiều diện mạo mới, gắn nhiều hơn với công nghệ cũng như tài sản trí tuệ, song số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên những kết quả nghiên cứu, các sáng chế từ khu vực Viện, Trường còn hạn chế, trong khi tiềm năng này còn rất lớn ở Việt Nam với khoảng hơn 2000 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN. Trong số đó có trên 1.000 là tổ chức nghiên cứu và triển khai (với tên gọi, cấp trực thuộc và sở hữu khác nhau). Nhân lực R&D của Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực cơ sở giáo dục và tổ chức R&D (như viện/trung tâm nghiên cứu…). Tính sơ bộ về số lượng nhóm nghiên cứu chuyên sâu các trường công nghệ trên cả nước có thể ra sáng chế cũng khoảng 200 nhóm. Với tiềm lực về tài sản trí tuệ như vậy, cần thiết phải xây dựng và triển khai các mô hình kinh doanh dựa trên khai thác các tài sản trí tuệ, đẩy mạnh thương mại hóa các tài sản trí tuệ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Tại Hội thảo, các nội dung chính đã được các chuyên gia đưa ra bàn luận, gồm:
– Vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu khoa học: cơ hội và thách thức
– Tìm kiếm cơ hội kinh doanh dựa vào khai thác tài sản trí tuệ: Thuận lợi và khó khăn
– Pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khai thác tài sản trí tuệ – Thực trạng và giải pháp
– Mô hình kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ: kinh nghiệm Singapore
Sau phiên 1 bàn về những vấn đề chung, tại phiên 2, các chuyên gia đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp với các mô hình khai thác kết quả nghiên cứu của chính chuyên gia hoặccủa nhóm nghiên cứu đã chia sẻ ba mô hình khởi nghiệp gồm mô hình kinh doanh xử lý pin tái chế, mô hình kinh doanh với sản phẩm enzym lên men từ trái cây , thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từ Carafoods và mô hình khởi nghiệp theo hướng Ecotech.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, đặt ra những vấn đề mới như khai thác kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh để khởi nghiệp như thế nào.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Hi vọng rằng, Hội thảo sẽ góp thêm tiếng nói trong việc tạo động lực cho các doanh nghiệp cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp sẵn sàng tìm kiếm các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu, các tài sản trí tuệ của các nhà khoa học từ các Viện, trường để thông qua đó, các kết quả nghiên cứu được đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Bài và ảnh: Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội & Phòng Truyền thông