Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai 2013

Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai 2013

Thông báo

Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai 2013

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN 
————

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai 2013

 

I.  Bốicảnh

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nên tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, Luật Đất đai năm 2013 được xây dựng nhằm thể chế hóa những quan điểm và nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững.

Sự ra đời của Luật Đất đai năm 2013 đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW/2012 và Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn. Đáng chú ý, có những vấn đề chưa giải quyết được triệt để nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người v.v.

Trước tình hình đó, ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Các nội dung của Nghị quyết 18 được cả xã hội và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và căn cứ quan trọng định hướng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 nhằm khai thác tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế -xã hội, hướng tới phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường đất đai trở thành kênh phân bổ và khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Trước bối cảnh trên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai”.

II. Mục tiêu và nội dung Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Trong đó, nội dung Hội thảo tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:

  • Xác định giá đất theo cơ chế thị trường.
  • Phương pháp định giá đất và tổ chức định giá.
  • Thuế đất hạn chế đầu cơ và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất.
  • Thu hồi và chính sách bồi thường khi thu hồi đất.
  • Hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế khác về đất đai.

III. Thành phần tham dự

Hội thảo có sự tham gia trình bày và thảo luận của các diễn giả chính:

– GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân;

– Ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường

– GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

– TS. Kathrine Kelm – Chuyên gia cấp cao về quản lý đất đai, Ngân hàng Thế giới

– PGS.TS. Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân

– PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo – Trưởng Khoa Bất độngsản & Kinh tế tài nguyên Đại học Kinh tế Quốc dân

Hội thảo cũng có sự tham dự của khoảng 100 nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), một số đại sứ quán tại Hà Nội; các cơ quan trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các Trường đại học, các Viện nghiên cứu; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

IV. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thảo

– Thời gian: 08:00, ngày 30 tháng 8 năm 2022

– Địa điểm: Phòng Hội thảo tầng G, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

            Thông tin chi tiết về Hội thảo xin vui lòng liên hệ:

            Ông Bùi Huy Hoàn – Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học

            SĐT: 0965.666.857                        Email: hoanbh@neu.edu.vn                         

            Bà Vũ Phương Linh – Chuyên viên Phòng Truyền thông                 

            SĐT: 0973.256.257                          Email: linhvp@neu.edu.vn

BAN TỔ CHỨC

Đang tuyển sinh