Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 & Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”
14/04/2022 2022-04-14 10:57Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 & Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”
Thông cáo báo chí Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 & Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
————
THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022:
“Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19”
& Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021
Theo thông lệ hàng năm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường. Chủ đề của Hội thảo cũng như của ấn phẩm thường niên năm nay là “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19”
Năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh do chủng mới Delta, Omicron. Số ca lây nhiễm và tử vong đều tăng cao và diễn biến hết sức phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều tỉnh thành phố lớn phải giãn cách xã hội trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Diễn biến này đã ảnh hưởng lớn đến về sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội. Về phía cầu, do đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng khiến thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh. Trong khi đó, một động lực quan trọng cho hỗ trợ tăng trưởng là đầu tư công thì chưa tạo được đột phá. Về phía cung, sản xuất của các ngành quan trọng bị ảnh hưởng lớn như vận tải, kho bãi; du lịch lưu trú ăn uống; giáo dục đào tạo; ngành công nghiệp chế biến chế tạo… do nhu cầu giảm mạnh và gia tăng chi phí sản xuất. Những biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và thiếu nhất quán giữa các địa phương cũng ảnh hưởng lớn lến chi phí vận chuyển, logistics cũng như làm đứt gẫy chuỗi cung ứng cho các doanh nhiệp…
Trong khiđó, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Lạm phát kỳ vọng gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước (chưa kể phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm) nhưng tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây. Điều này đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và/hoặc hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế. Tín dụng, bằng các cách khác nhau, có thể không trực tiếp đi vào sản xuất mà trực tiếp hoặc gián tiếp đi vào thị trường tài sản, nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu. Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã nới lỏng một số quy định an toàn hệ thống để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Sau một thời gian dài có xu hưởng giảm thì nợ xấu đã tăng trở lại. Nhữngkhó khăn của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính. Những rủi ro bất ổn và thiếu lành mạnh đã xuất hiện trên các thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường bất động sản.
Như vậy, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Vì vậy, đánh giá tổng quan kinh tế cũng như nhận diện các rủi ro bất ổn là cơ sở quan trọng để đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển sau đại dịch.
II. Mục tiêu và nội dung Hội thảo
Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2021 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), đánh giá thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, cảnh báo những nguy cơ bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính; từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Với mục tiêu trên, Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung sau:
– Làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2021;
– Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2021 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế;
– Đánh giá thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính thông qua nhận diện/chuẩn đoán và đo lường các bất ổn tại các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách) và tương tác giữa các khu vực; từ đó cảnh báo rủi ro bất ổn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phân tích nguyên nhân của các bất ổn;
– Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022; từ đó khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo;
– Đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
III. Thành phần tham dự
Hội thảo có sự tham gia trình bày và thảo luận của các diễn giả chính:
– PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;
– TS Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội;
– Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam;
– GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân;
– Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;
– TS Nguyễn Đình Cung – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;
– TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh;
– Ông Phan Đức Hiếu – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
– PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;
– Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);
– GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế;
– PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính;
Và đồng chủ biên Ấn phẩm: GS.TS Phạm Hồng Chương và PGS.TS Tô Trung Thành – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hội thảo cũng có sự tham dự của gần 300 nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một số đại sứ quán tại Hà Nội; các cơ quan trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tưởng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các Trường đại học, các Viện nghiên cứu; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
IV. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thảo
– Thời gian: 08:00, ngày 25 tháng 4 năm 2022
– Địa điểm: Hội trường A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Buổi họp báo công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên được tổ chức từ 08:00, cùng ngày tại Phòng B101-102, Nhà A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Thông tin chi tiết về Hội thảo xin vui lòng liên hệ:
Ông Bùi Huy Hoàn – Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học
SĐT: 0965.666.857 Email: hoanbh@neu.edu.vn
Bà Vũ Phương Linh – Chuyên viên Phòng Truyền thông
SĐT: 0973.256.257 Email: linhvp@neu.edu.vn
BAN TỔ CHỨC