Thông cáo báo chí Công bố ấn phẩm: Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”
08/04/2020 2020-04-08 9:56Thông cáo báo chí Công bố ấn phẩm: Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”
Thông cáo báo chí Công bố ấn phẩm: Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Công bố Ấn phẩm
Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019
CẢI THIỆN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ SỐ
Ngày 20/4/2020
Năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Đồng thời, trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.
Đây cũng chính là điểm nhấn của Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản, tiếp nối thành công của chuỗi Ấn phẩm này trong nhiều năm qua.
Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của Đại học Kinh tế Quốc dân do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS Tô Trung Thành đồng chủ biên
Ấn phẩm được nghiên cứu công phu, sử dụng các dữ liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức quốc tế, như IMF, World Bank. Liên quan đến phần đánh giá năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số, nhóm nghiên cứu chú trọng sử dụng các dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê trong các năm và thông qua các số liệu của các bộ, ban, ngành liên quan đến kinh tế số.
Các nội dung chính của Ấn phẩm năm nay bao gồm:
1. Làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2019;
2. Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam và các chính sách năm 2019; những thành tựu và những tồn tại hạn chế; phân tích nguyên nhân của các hạn chế;
3. Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2020, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế; từ đó khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2020 và những năm tiếp theo;
4. Đánh giá thực trạng về năng suất lao động tổng thể nền kinh tế, năng suất theo các ngành sản xuất, năng suất theo các khu vực kinh tế (khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước, khu vực FDI);
5. Thực trạng kinh tế số tại Việt Nam và đánh giá tác động đến năng suất lao động tổng thể, năng suất lao động theo ngành sản xuất, năng suất lao động theo các khu vực kinh tế;
6. Phân tích triển vọng kinh tế số tại Việt Nam và dự báo các kịch bản tác động của kinh tế số đến năng suất lao động tổng thể, năng suất lao động theo ngành sản xuất, năng suất lao động theo các khu vực kinh tế cho đến năm 2030;
7. Đề xuất các khuyến nghị chính sách và hệ thống các giải pháp để gia tăng nhanh năng suất của nền kinh tế giai đoạn 2020 – 2030 trong bối cảnh kinh tế số.
Buổi họp hoàn thiện nội dung và lên thiết kế bìa cho Ấn phẩm thường niên 2019 (tháng 02/2020)
Đây có thể coi là ấn phẩm quan trọng “đậm bản sắc” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Báo cáo thể hiện quan điểm riêng của nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về các vấn đề kinh tế trong năm, có tính phản biện chính sách một cách độc lập, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và đông đảo bạn đọc.
Bên cạnh phân tích định tính, những đánh giá của Báo cáo được thực hiện thông qua các mô hình định lượng, do đó, đảm bảo những kết luận đưa ra được dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, có căn cứ khoa học, có dẫn chứng cụ thể. Điều này cũng thể hiện tính học thuật cao của Báo cáo thường niên, gắn kết những vấn đề nóng của nền kinh tế với việc thực hiện nghiên cứu định lượng. Vì vậy, Báo cáo cũng là một tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu.
Cách viết của Báo cáo được điều chỉnh để dung hòa tính học thuật trong nghiên cứu kinh tế (sử dụng mô hình toán, các phương pháp thống kê…) với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ đọc đối với người đọc thuộc các đối tượng khác nhau.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam định lượng tác động của KTS đến NSLĐ các ngành, các khu vực của nền kinh tế; đồng thời cũng dự báo tác động của KTS đến NSLĐ tổng thể cho đến năm 2030. Báo cáo không những nghiên cứu năng suất ở khu vực chính thức, mà còn nghiên cứu ở khu vực phi chính thức, cá thể. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng có nghiên cứu định lượng đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và những khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch bệnh.
Điều đặc biệt ở Báo cáo này là sự mở rộng trong khái niệm về KTS, theo đó, KTS được hiểu là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng và diễn ra dựa trên nền tảng số. Như vậy, KTS bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng. KTS vì vậy không chỉ bao gồm ngành CNTT-TT, mà còn bao gồm tất cả các ngành, lĩnh vực có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số, kể cả những ngành lĩnh vực truyền thống có đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Báo cáo chỉ rõ sự phát triển của KTS chắc chắn sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sử dụng ít lao động hơn. Công nghệ số có khả năng ứng dụng ở hầu hết các ngành kinh tế, có thể tạo nên những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và NSLĐ trong các ngành kinh tế. Một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải – logistic, tài chính – ngân hàng… Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có.
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD trong buổi công bố
GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ
PGS.TS Tô Trung Thành Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân – đồng chủ biên Ấn phẩm
“Những phân tích trong Báo cáo, mặc dù dựa trên những nền tảng khoa học, có dựa vào và trên cơ sở dữ liệu phân tích đánh giá thực tế, nhưng được truyền tải khá dễ hiểu. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn tập trung nguồn lực tốt nhất để đảm bảo Báo cáo đạt được chất lượng cao nhất. Những kết quả của Báo cáo này được chuyển đến các cơ quan quản lý, như Uỷ ban Kinh tế – Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác, nhằm truyền tải những khuyến nghị, chính sách của nhà trường đối với những vấn đề lớn của nước. Chúng tôi cũng hy vọng ấn phẩm sẽ được mang đến những thông tin rất quan trọng tới đông đảo bạn đọc, đông đảo độc giả”, GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường ĐHKTQD – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là đồng Chủ biên Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế thường niên của Việt Nam 2019 chia sẻ.
Đoàn chủ tịch tại Hội thảo KTVN và công bố Ấn phẩm thường niên 2018 (tháng 3/2019) – TS Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường và PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng QLKH.
Toàn cảnh Hội thảo KTVN và công bố Ấn phẩm thường niên 2017 (Tháng 3/2018)
GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ ĐỒNG CHỦ BIÊN
GS.TS Trần Thọ Đạt nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Tiến sĩ Thống kê tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2014, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân nhiệm kì 2013-2018, và hiên là Chủ tịch Hội đồng Trường. Ông cũng là một trong 15 thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kì 2016-2021. Lĩnh vực nghiêm cứu chính của ông là kinh tế học, kinh tế phát triển, chính sách tài chính và tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính trong giáo dục đại học, các vấn đề kinh tế học.
PGS.TS Tô Trung Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Ông từng là thành viên nhóm tư vấn chính sách (PAG) cho Bộ Tài chính và Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Hiện ông là Trưởng phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, ổn định tài chính, phân tích hoạt động doanh nghiệp.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
- CN Bùi Huy Hoàn – Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học
SĐT: 0965.666.857 Email: hoanbh@neu.edu.vn
- ThS Vũ Phương Linh – Chuyên viên Phòng Truyền thông
SĐT: 0973.256.257 Email: linhvp@neu.edu.vn
- V-Startup Le Cerne
Hotline: 0989.906.699 – Email: vstartupi40@gmail.com
Download Tóm tắt Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 tại đây
Video Trailer giới thiệu Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 xem tại đây