PGS.TS. Phạm Hồng Chương: Chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư
29/09/2021 2021-09-29 8:25PGS.TS. Phạm Hồng Chương: Chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư
PGS.TS. Phạm Hồng Chương: Chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư
Mở cửa
nền kinh tế cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu
chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước; linh hoạt trong phản ứng
với dịch bệnh.
Chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đã bị gián đoạn một phần do tác động của đại dịch COVID-19. Tác động này mạnh mẽ nhất vào tháng 8 với các đầu mối bị tác động mạnh mẽ nhất là ở khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Ngày 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội.
Tắc nghẽn trong các chuỗi cung ứng
Các
chỉ số này cho thấy các công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng (xuất
khẩu và bán lẻ) đang bị thu hẹp; công đoạn thượng nguồn (nhập khẩu,
trong đó có nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện) có xu hướng mở rộng.
Nguyên
nhân có thể là các nhà sản xuất (nhập khẩu) vẫn phải tiếp tục thực hiện
các hợp đồng ký kết trước đó. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất bị
ngưng trệ (chỉ số sản xuất thấp, chỉ số sử dụng lao động thấp, đặc biệt
là rất thấp ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương).
Kết
hợp với hoạt động vận tải bị đình trệ (một phần có thể do chi phí vận
tải cao, hoạt động vận tải hoạt động dưới công suất do dịch) thể hiện ở
chỉ số vận tải trong nước và quốc tế đều giảm mạnh.
Bức
tranh trên có thể phản ánh một số điểm tắc nghẽn chính trong các chuỗi
cung ứng, và có thể để lại một số hậu quả cần giải quyết trong năm 2022.
Theo như kiến nghị của các doanh nghiệp FDI gửi Thủ tướng và lãnh đạo
các địa phương cho thấy 20% đơn hàng đã chuyển khỏi Việt Nam và không
dừng để chờ đợi Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ giãn cách,
đảm bảo an toàn cho lao động và lương thực thực phẩm, di chuyển an toàn
khi có “thẻ xanh”.
Việc thực hiện
giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía
nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP. HCM,
Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều
doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do
không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai
điểm đến”.
Tại các địa phương miền
Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ
hoạt động với công suất 50%-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Khoảng 40% doanh nghiệp có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại
chỗ.
Đối với các doanh nghiệp còn
hoạt động, trong bối cảnh như vậy đã buộc phải giảm sản lượng do phải
giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh
nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống
COVID-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao
động). Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn
trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách
xã hội.
Cùng với đó, tình trạng
thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế
tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường cùng
với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh
hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất
khẩu.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Dịch
COVID-19 đã làm xuất khẩu thủy sản tăng chậm lại, riêng tháng 7 và 8
giảm từ 3%-9% tùy nhóm thủy sản, bình quân chung giảm 5,1% và kéo lùi đà
tăng trưởng từ 16% xuống còn 12%. Nguồn cung giảm 30%-40%, chỉ còn 30%
đủ điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, chi phí doanh
nghiệp tăng mạnh khoảng 15%-20% so với trước đại dịch…
Giải pháp phục hồi
Thứ nhất,
thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất
quán mới có thể mở cửa trở lại. Theo kinh nghiệm của các nước phương Tây
và Mỹ thì họ chấp nhận đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng ngay từ đầu, có
thể bị nhiễm trong cộng đồng tự sinh khánh thế hoặc chủ động tiêm
vaccine để sinh kháng thể để đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao.
Trong khi đó, quan điểm tiếp cận chống dịch ở Việt Nam lấy phòng bệnh,
dồn mọi nguồn lực cho khoanh vùng, cách ly, giãn cách… và đang chuyển
sang tình trạng miễn dịch cộng đồng mới là rất tốn kém.
Thứ hai,
đẩy nhanh tiêm vaccine đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử
dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các
hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hạt động trở lại khi
đủ điều kiện.
Cho phép tự chủ hoạt
động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian dãn
cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test
nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý
Thứ ba,
dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu,
kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng
nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái
từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”.
Ở
mức độ thấp tỷ lệ lây nhiễm chưa cao kích hoạt chương trình phòng bệnh
khu vực, chuyển đổi sang chữa bệnh, phát huy toàn bộ hệ thống y tế cả
nhà nước và tư nhân.
Thứ tư,
mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu
chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Linh hoạt trong phản ứng
với dịch bệnh. Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một
mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt
bằng, các khoản phí và lệ phí…) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong
bối cảnh “sống chung với dịch” khi người dân và người lao động đã đạt
được sự miễn dịch cộng đồng.
Đồng
thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung
ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọinguồn lực trong nước và
nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu
nhập khẩu do bị đứt gãy vì COVID-19.
Thứ năm,
Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các
chính sách và biện pháp trong thời gian qua trong quản lý và điều hành
nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho
phù hợp bối cảnh mới như chính sách thu hút lao động về trở lại sản
xuất, chính an sinh xã hội đối với người lao động. Đặc biệt là chính
sách nhà ở cho lao động tại các khu công nghiệp.
Thứ sáu,
Chính phủ, các cơ quan ban ngành, địa phương và thành phố cần có sự
tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các bên liên quan, phổ
biến và nhân rộng chính sách hiệu quả nhanh chóng và kịp thời, cần tiếp
tục đẩy mạnh khen thưởng, biểu dương những tấm gương xuất sắc trong
tuyến đầu phòng chống COVID-19.
Khôi
phục lại nguồn nhân công là lợi thế cạnh tranh hiện hữu và thực hiện
mọi chính sách an sinh xã hội đảm bảo nơi ăn chốn ở an toàn mùa dịch.
Tạo
điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt, đảmbảo tính liên thông liên
vùng. Hỗ trợ các loại thuế, phí hợp lý nhằm phục hồi sau COVID-19.
Với
dệt may và da giày, cần ban hành nhanh những chính sách giải quyết các
“nút thắt” trong lưu thông hàng hóa và lao động. Đối với lao động, cần
có phép di chuyển khi đủ điều kiện an toàn. Đối với hàng hóa, cần thuận
lợi cả chiều nhập nguyên vật liệu, lưu thông nội địa và chiều xuất khẩu
hàng hóa. Khơi thông luồng vốn, tạo điều kiện tiếp cận luồng tài chính
mới cho chu kỳ kinh doah mới.
Giảm
chi phí liên quan đến sử dụng hạ tầng cảng, kho bãi, phí liên quan vận
tải bên cạnh các khoản thuế, phí… mà các hiệp hội đã kiến nghị.
Với
thủy sản và nông sản, cấp quỹ duy trì giống, hoặc cho vay không lãi
suất duy trì kho quỹ giống, để các nhà cung cấp giống, cây con trong
nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nông lâm ngư nghiệp. Đảm bảo nguồn cung
nguyên liệu, con giống, cây giống nhằm tái đàn, tái lập chuỗi cung ứng
từ nuôi trồng lĩnh vực thủy sản, nông lâm ngư nghiệp và chăn nuôi.
Thực
hiện khoanh nợ, cấp tín dụng mới theo chu kỳ kinh doanh mới, thực hiện
chương trình “ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp” cấp vốn, theo dõi
và thu hồi theo chu kỳ kinh doanh kiểu tín chấp có giám sát và điều kiện
cấp vốn.
Tăng cường hỗ trợ các cơ
hội giao thương, thiết lập chuỗi cung ứng hàng nội địa theo các ứng dụng
mua bán điện tử, kết nối các cơ hội xuất khẩu trên các trang web lớn
theo amazon, Alibaba, indiamark… nhằm quảng bá và tăng cơ hội giao
thương quốc tế.
Phát triển hệ thống
kho lạnh hoặc các trung tâm logistics bảo quản giúp cho hàng thủy sản,
nông sản … duy trì giá trị sau thu hoạch, phát triển các phương thức vận
chuyển đa dạng từ đường bộ, đường biển, đường sắt kết nối đa phương
thức giúp nông thủy sản mọi miền dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường
chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn