NGND.GS.TSKH. LÊ DU PHONG – Giảng viên cao cấp, nhà khoa học kinh tế thời đổi mới

NGND.GS.TSKH. LÊ DU PHONG – Giảng viên cao cấp, nhà khoa học kinh tế thời đổi mới

Bản tin NEU

NGND.GS.TSKH. LÊ DU PHONG – Giảng viên cao cấp, nhà khoa học kinh tế thời đổi mới

 

NGND.GS.TSKH LÊ DU PHONG

Nguyên Quyền Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Kinh tế Quốcdân

NGND.GS.TSKH. LÊ DU PHONG sinh ngày 05/5/1943 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Hồi nhỏ, chàng thiếu niên Lê Du Phong, ngoài việc cần cù lao động giúp đỡ gia đình, ngày ngày phụ giúp mẹ mót khoai, bón lúa, phụ giúp gia đình, đã luôn thể hiện ước muốn trở thành một nhà kinh tế góp phần xây dựng quê nhà thoát khỏi đói nghèo. Với ước mơ đó cậu đã tích cực học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động phong trào của thanh, thiếu niên tại địa phương.

Thông minh, học giỏi, luôn có hoài bão lớn lao, đầu những năm 1960, chàng thanh niên Lê Du Phong là một trong những thanh niên XHCN cốt cán được Đảng và Nhà nước tin tưởng, chọn cử đi đào tạo nhằm xây dựng lực lượng cán bộ hậu bị, phục vụ cho công cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế và chuẩn bị xây dựng đất nước sau chiến tranh. Từ giã tuổi thơ bên đất ruộng nghèo, Lê Du Phong bịn rịn chia tay gia đình và ngôi nhà thân thương, bước theo con đường Đảng và Nhà nước đã lựa chọn để ra miền Bắc học trường học sinh Miền nam và sau đó trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, ngành Kinh tế Nông nghiệp (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cùng với ước mơ trở thành chuyên gia Kinh tế nông nghiệp, góp phần dựng xây kinh tế nước nhà. Nhận thức được rằng đây là con đường tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao và cũng là con đường để thực hiện hoài bão của mình nên Lê Du Phong đã phấn đấu học tập và rèn luyện bản thân không ngừng nghỉ. Tháng 8 năm 1962, khi còn là học sinh Trường học sinh Miền nam, (tại Chương Mỹ, Hà Đông) chàng thanh niên 19 tuổi đã được vinh dự khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm tháng học tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, chàng sinh viên Lê Du Phong luôn dẫn đầu toàn diện trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, với thành tích điểm 5 (tương đương điểm 10 ngày nay) đáng kính nể ở hầu hết các môn học, với sự mến mộ của bạn cùng lớp và sự yêu mến của thầy cô giáo.

Tháng 9 năm 1968, chàng sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc được giữ lại Trường làm giảng viên tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Khi đất nước vừa thoát khỏichiến tranh đang cần những chuyên gia giỏi, thầy giáo trẻ Lê Du Phong đã tập trung ôn luyện, quyết tâm đi học ở nước ngoài nhằm học hỏi và mang kiến thức hiện đại về dựng xây đất nước. Tháng 9 năm 1975, Thầy đã trúng tuyển và được cử đi học Nghiên cứu sinh tại Hungari.

Tháng 12 năm 1979, Tiến sĩ Lê Du Phong về nước tiếp tục công tác giảng dạy với tinh thần không ngừng phấn đấu, học hỏi, nên tháng 6 năm 1984, thầy giáo trẻ Lê Du Phong được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế Nông nghiệp. Với hoài bão đưa nông nghiệp nước nhà vượt qua thời thiếu đói, vươn lên ngang các cường quốc nông nghiệp trên thế giới, Tiến sĩ trẻ Lê Du Phong cùng đồng nghiệp đã lặn lội xuống từng bờ ruộng, hàng kênh để lắng nghe, nghiên cứu, tìm hiểu những bất cập, khó khăn của bà con nông dân.

Tháng 9 năm 1985, Thầy giáo Lê Du Phong được cử tham gia công tác đào tạo thực tập sinh cao cấp tại Hungari. Trong thời gian này, công trình khoa học  của nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Khoa học tương lai lần lượt được công bố thông qua các bài báo như Vai trò của nông trường quốc doanh – Tạp chí Nông trường và Vùng kinh tế mới (1984); Nền nông nghiệp Hungari – Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế (1988); Thị trường Nông sản ở nước ta: Thực trạng và giải pháp – Tạp chí Thông tin (1990); Khai thác triệt để nguồn vốn trong dân cư nông thôn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – Tạp chí Thông tin (1991); Những đổi mới căn bản trong chính sách nông nghiệp của Việt Nam và phương hướng đổi mới – Tập san về Đổi mới Kinh tế (1991); Mấy ý kiến về đổi mới đào tạo và nghiên cứu kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam – Tập san Kinh tế Nông, Lâm nghiệp (1993).


NGND.GS.TSKH Lê Du Phong – Nguyên Quyền Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Tháng 4 năm 1989, Sau khi hoàn thành Tiến sĩ khoa học (TSKH) Thầy tiếp tục công tác giảng dạy tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp. Giai đoạn này, Tiến sĩ khoa học Lê Du Phong dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề chuyên sâu của kinh tế nước nhà. Với những công trình nghiên cứu giá trị của mình, tháng 9 năm 1991, Nhà khoa học kinh tế thời đổi mới, đã được Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư khoa học kinh tế.

Khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Hoa kỳ, việc nghiên cứu các chính sách quản lý kinh tế nhằm thay đổi căn bản nền kinh tế được đặt ra đối với đất nước cũng như với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1995, PGS.TSKH Lê Du Phong đã sáng lập lên và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (sau là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Thầy làm Viện trưởng). Tâm huyết với trọng trách được giao, PGS.TSKH Lê Du Phong đã tập trung thời gian, công sức nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề kinh tế nông nghiệp như: Về chính sách đổi mới các thành phần kinh tế và chương trình phát triển kinh tế – xã hội miền núi trong những năm tới – Tạp chí Kinh tế Phát triển, số đặc san (1996); Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa – Tạp chí Kinh tế và Phát triển (1996); Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế giỏi là nhân tố quyết định sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa – Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 17 (1997); Hộ nông dân không đất và thiếu đất sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long – Thực trạng và kiến nghị – Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 243, (1998)… các nghiên cứu của PGS.TSKH Lê Du Phong đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, từng bước áp dụng đã góp phần nâng cao vị thế nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ, giảng viên Kinh tế Quốc dân.

Tháng 4 năm 1999, PGS.TSKH Lê Du Phong được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển. Với cương vị mới, PGS.TSKH Lê Du Phong lại càng dành nhiều thời gian, công sức cho sự nghiệp khoa học phục vụ phát triển kinh tế nước nhà. Thời gian này, các công trình khoa học kinh tế mới được ra đời như: Sản xuất và đời sống của các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long, thực trạng và giải pháp – Đề tài cấp Nhà nước (1998); Kinh tế thị trường và sự phân tầng xã hội ở vùng dân tộc và miền núi nước ta – Đề tài cấp Bộ (1999), và nhiều công trình khoa học phục vụ cho quốc kế dân sinh khác.


NGND.GS.TSKH Lê Du Phong – Nguyên Quyền Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Tháng 4 năm 2002, PGS.TSKH Lê Du Phong vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư. Cũng trong năm 2002, Giáo sư Lê Du Phong được bổ nhiệm giữ chức Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Các công trình khoa học của Giáo sư lúc này tập trung vào vấn đề kinh tế Vĩ mô như Nguồn lực và động lực phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm của Hungary về phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, vận dụng vào Việt Nam…

Những năm 2004-2006, GS.TSKH Lê Du Phong được Chính phủ tín nhiệm, mời làm thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng về vấn đề kinh tế. Tại đây, GS.TSKH Lê Du Phong đã đóng góp nhiều ý kiến phát triển kinh tế đất nước như: Phát triển kinh tế tư nhân, mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, phát triển tiêu dùng trong nước, mô hình phát triển kinh tế mới cho Việt Nam, mở rộng hợp tác kinh tế đa phương, phát triển kinh tế vùng, phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, sự cần thiết phải có đặc khu kinh tế…

Trong quá trình công tác, hoạt động phục vụ đất nước, phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo, GS.TSKH Lê Du Phong luôn phát huy bản chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, người thầy giáo gương mẫu trong bất cứ vị trí nào, ở bất cứ nơi đâu. Trong kháng chiến chống Pháp và chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thầy không ngại gian khổ, khó khăn, tham gia tích cực các phong trào thi đua, cố gắng học tập, nghiên cứu, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

GS.TSKH Lê Du Phong đóng góp nhiều công sức đào tạo, bồi dưỡng biết bao thế hệ sinh viên, học viên. Với lòng yêu nghề, yêu người, sự tận tâm, say mê chuyên môn, nghiệp vụ, Thầy đã cùng đồng nghiệp góp phần xây dựng sự phát triển lớn mạnh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế Nông nghiệp (nay là Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trung tâm Ngoại ngữ kinh tế… Là một cán bộ nhiệt tình và gương mẫu, Thầy có phong cách sống giản dị, chân thành thẳng thắn nên được đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và sinh viên tin cậy và kính trọng!


 NGND.GS.TSKH Lê Du Phong – Nguyên Quyền Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Với thành tích cống hiến hết mình vì tập thể, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và vì sự nghiệp giáo dục, GS.TSKH Lê Du Phong đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương chống Mỹ hạng Hai, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh kính tặng Huy hiệu Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Ủy ban Dân tộc trao tặng Huy chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tặng nhiều danh hiệu thi đua, bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý!

GS.TSKH Lê Du Phong – ra đi, đội ngũ khoa học của đất nước và Nhà trường mất đi một nhà quản lý giỏi, một nhà khoa học kinh tế tài ba, có nhiều đóng góp cho các chính sách phát triển kinh tế Việt Nam thời kì đổi mới.

Xin được tri ân Thầy!

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

 

 

Đang tuyển sinh