Kinhte.congthuong.vn: PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt suốt 2 thập kỷ: Đi tìm giải pháp căn cơ
12/03/2024 2024-03-12 7:59Kinhte.congthuong.vn: PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt suốt 2 thập kỷ: Đi tìm giải pháp căn cơ
Kinhte.congthuong.vn: PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt suốt 2 thập kỷ: Đi tìm giải pháp căn cơ
Từ năm 2005 – 2023, cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam thâm hụt với hàng chục tỷ USD mỗi năm, làm giảm sức kháng cự cán cân thanh toán.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng – Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ những đánh giá về thương mại dịch vụ ở Việt Nam và câu chuyện phấn đấu tạo thặng dư trong lĩnh vực này.
Thưa chuyên gia, ở Việt Nam hiện có các lĩnh vực thương mại dịch vụ nào đang hoạt động?
Ngoại trừ dịch vụ công, các lĩnh vực thương mại dịch vụ theo phân loại của Tổng cục Thống kê bao gồm: Vận tải, du lịch, bảo hiểm, tài chính, bưu chính viễn thông. Đây là các dịch vụ được phép kinh doanh theo các cam kết quốc tế phù hợp với nguyên tắc thương mại tự do.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng |
Vì sao việc tạo dựng thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ lại cần được quan tâm?
Cần khẳng định ở đây, việc có thặng dư phản ánh gia tăng giá trị sáng tạo. Khi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ lớn hơn nhập khẩu, cán cân thặng dư. Theo đó, các dịch vụ có lợi thế cao sẽ gia tăng giá trị ròng lớn nhất, các nguồn lực như vốn, lao động được sử dụng hiệu quả. Phát triển thương mại dịch vụ còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo xu hướng tăng tỷ trọng dịch vụ.
Khi cán cân thâm hụt, xuất hiện tình trạng nhập khẩu cả những dịch vụ mà trong nước có thểcung ứng được. Thâm hụt cán cân dịch vụ làm giảm sức kháng cự cán cân thanh toán.
Xu hướng chung là các nước cố gắng duy trì cân bằng cán cân để tránh tình trạng nguồn lực phân bổ thiếu hiệu quả. Điều này đòi hỏi cải thiện năng lực cung ứng dịch vụ của các cơ sở trong nước trong tiến trình tự do hóa thương mại dịch vụ.
Bức tranh thương mại dịch vụ của Việt Nam thời gian qua được thể hiện như thế nào?
Trong 19 năm liên tiếp từ năm 2005 đến 2023, cán cân thương mại dịch vụ thường xuyên bị thâm hụt. Năm 2021 có mức thâm hụt lớn nhất 15,425 tỷ USD và năm 2006 có mức thâm hụt thấp nhất 22 triệu USD.
Chuyên gia có thể cho biết cụ thể về tình hình thâm hụt về thương mại dịch vụ trên một số lĩnh vực?
Về dịch vụ vận tải, cán cân thương mại thâm hụt trong suốt cả giai đoạn 2005 – 2023. Năm 2022 có mức thâm hụt lớn nhất 8,141 tỷ USD và năm 2005 có mức thâm hụt thấp nhất 1,023 tỷ USD. Số liệu cho thấy, năng lực cung ứng dịch vụ vận tải quốc tế của Việt Nam còn thấp cho nên nhiều dịch vụ phải thuê nhà cung ứng nước ngoài hay nhập khẩu dịch vụ. Vấn đề là cần đầu tư để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải của các nhà cung ứng dịch vụ này của Việt Nam.
![]() |
Việt Nam cần quan tâm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng hoá |
Về dịch vụ bảo hiểm, trong giai đoạn 2005 – 2022, mỗi năm xuất khẩu bình quân 63,9 triệu USD, nhập khẩu bình quân 667,8 triệu USD. Cán cân dịch vụ bảo hiểm thâm hụt đáng kể suốt cả giai đoạn và đang có xu hướng tăng lên. Năm 2014 bị thâm hụt lớn nhất 962 triệu USD và năm 2005 thâm hụt nhỏ nhất 204 triệu USD. Năng lực nhà cung ứng Việt Nam dịch vụ bảo hiểm quốc tế khá hạn chế. Do đó, cần chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển các phương thức cung ứng dịch vụ để cân bằng cán cân dịch vụ bảo hiểm quốc tế.
Về dịch vụ tài chính, trong cả giai đoạn 2005 – 2022 có 2 năm cân bằng, 4 năm thặng dư. Năm 2007 có thặng dự lớn nhất 32 triệu USD. Các năm còn lại bị thâm hụt. Năm 2014 có thâm hụt lớn nhất 305 triệu USD. Trạng thái cán cân này cho thấy dịch vụ tài chính của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu. Cần đầu tư phát triển các nhà cung ứng dịch vụ tài chính hiệu quả để cải thiện trạng thái thâm hụt cán cân này.
Vậy đâu là điểm sáng về thặng dự thương mại dịch vụ của Việt Nam?
Về dịch vụ du lịch, trừ 3 năm bị đại dịch Covid-19 là 2020, 2021, 2022 cán cân dịch vụ bị thâm hụt, trong đó năm 2021 có thâm hụt lớn nhất 3,681 tỷ USD. Trong số các năm thặng dư cán cân dịch vụ du lịch, năm 2019 có thặng dư lớn nhất 5,37 tỷ USD. Đây cũng là năm số du khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 18 triệu lượt. Năm 2023, cán cân dịch vụ du lịch thặng dư 1,4 tỷ USD. Những cải cách quyết liệt thủ tục hành chính và nỗ lực xúc tiến dịch vụ du lịch tạo khả năng tăng thặng dư cao hơn trong thời gian tới.
Về dịch vụ bưu chính viễn thông, cán cân thường xuyên thặng dư suốt cả giai đoạn 2005 – 2022. Chỉ có 2 năm bị thâm hụt là năm 2018 và năm 2020 với mức thâm hụt tương ứng 8 triệu USD và 58 triệu USD. Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông có năng lực cạnh tranh cao, chất lượng dịch vụ được cải thiện liên tục là nhân tố tạo nên trạng thái thặng dư này. Năm có tăng dư cao nhất 90 triệu USD năm 2006. Tính bình quân cả giai đoạn, mỗi năm thặng dư 42,2 triệu USD.
Từ những số liệu trên, theo chuyên gia cần làm gì để tạo thặng dư cho thương mại dịch vụ?
– Từ các số liệu trên có thể thấy năng lực cung ứng dịch vụquốc tế của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, làm yếu đi sức mạnh cán cân thanh toán. Xu hướng gia tăng thương mại dịch vụ đang hiện hữu gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng công nghiệp và nông nghiệp. Hơn nữa, để tận dụng triệt để các cam kết toàn diện và tiến bộ trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác trong và ngoài khu vực, phát triển thương mại dịch vụ cần được coi trọng tương xứng với thương mại hàng hóa.
Do đó, cần có chiến lược phát triển thương mại dịch vụ để nguồn lực phát triển được huy động và sử dụng hiệu quả. Trong vòng 2 – 3 năm tới, cần đặt mục tiêu cân bằng cán cân dịch vụ.
Những dịch vụ thặng dư thể hiện lợi thế so sánh cao cần tiếp tục thúc đẩy. Những dịch vụ thâm hụt cần tiến hành đánh giá lại để có giải pháp điều chỉnh phương thức cung ứng như đầu tư nhiều hơn vào tăng năng lực cơ sở cung ứng, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu nước ngoài, cải thiện chất lượng, điều chỉnh giá dịch vụ để tiến đến cân bằng và từng bước thặng dư.
Cũng có thể cânđối giữa thặng dư và thâm hụt để cán cân dịch vụ tổng thể thặng dư, vừa phát triển các ngành dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, thu lợi ích lớn vừa tăng sức mạnh của cán cân thanh toán tổng thể.
Xin cảm ơn ông!