Khoa Ngân hàng – Tài chính: Niềm tự hào hơn nửa thế kỷ

Khoa Ngân hàng – Tài chính: Niềm tự hào hơn nửa thế kỷ

Bản tin NEU

Khoa Ngân hàng – Tài chính: Niềm tự hào hơn nửa thế kỷ

Năm 1956, Khoa Mậu – Tài – Ngân (nay là Khoa Ngân hàng – Tài chính) được thành lập cùng với sự ra đời của Đại học Nhân dân (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), tính đến nay đã tròn 55 năm tuổi – độ tuổi đầy chững chạc và chín chắn! Mỗi lần kỷ niệm ngày truyền thống, điểm  lại những dấu ấn đã qua, "ôn cố, tri tân" tìm ra lợi thế cho bước đường sắp tới đầy thử thách cam go, nhưng cũng vô cùng vẻ vang trong xu thế hội nhập.

Từ những bước đi ban đầu

Ra đời trong lòng Đại học Nhân dân theo Nghị định của Chính phủ (25/5/1956) Khoa Ngân hàng – Tài chính ban đầu có 3 chuyên ngành: Ngân hàng – Tài chính và Mậu dịch. Như vậy,  chuyên ngành Ngân hàng – Tài chính trở thành đứa con đầu lòng trong lịch sử giáo dục đại học phân ngành kinh tế ở Việt Nam, được bắt đầu bằng giáo dục khoa học phân phối – lưu thông. Ngày nay, truyền thống ấy lại được tiếp nối, giao thoa, khi mà hệ thống Ngân hàng – Tài chính đang đứng trước yêu cầu bức thiết cần được đổi mới, cấu trúc lại để thực sự trở thành hệ thần kinh huyết mạch của cả nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập với khu vực và thế giới.

Các thầy nguyên chủ nhiệm khoa: PGS.TS Nguyễn Hữu Tài, GS.TS Nguyễn Văn Nam, PGS. Mai Siêu, GS.TS Cao Cự Bội ( ( từ trái sang phải: )

Thuở ban đầu, đội ngũ giáo viên của Khoa phần lớn là các cán bộdân chính Đảng. Sinh viên của Khoa thời bấy giờ là những cán bộ nghiệp vụ  hai ngành Ngân hàng – Tài chính được điều động từ cơ sở về trường để học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, sau đó trở về cơ sở phục vụ cho công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc.

Từ năm 1959, trường đại học Nhân dân đổi tên thành "Trường Kinh tế tài chính Trung ương", rồi "Đại học kinh tế tài chính". Lúc này, Khoa "Mậu-Tài-Ngân" (Mậu dịch-Tài chính-Ngân hàng) có ba bộ môn là Ngân hàng, Tài chính và Thương nghiệp, đào tạo sinh viên hệ dài hạn chính quy và chuyên tu. Bắt đầu từ năm 1967, hệ đào tạo ngành Tài chính  – Ngân hàng được chuyển về "Trường cán bộ Tài chính – Kế toán – Ngân hàng Trung ương". Khoa Ngân hàng – Tài chính gồm hai bộ môn là Ngân hàng và Tài chính. Sau đó được ghép thành bộ môn "Tài chính – Tín dụng", giảng dạy cho toàn bộ sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch.

Trong thời kỳ hình thành hệ thống đại học chính quy, đội ngũ giáo viên của Khoa có cán bộ biệt phái từ Ngân hàng quốc gia Việt Nam tiêu biểu là cố đồng chí Hoàng Liên (Nguyễn Văn Quảng) được Ngân hàng Quốc gia cử sang trực tiếp tổ chức xây dựng bộ môn Ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều trí thức từ chế độ cũ, phần lớn có bằng cử nhân luật, được Nhà nước điều động về giảng dạy. Sau này, Khoa được bổ sung thêm các giáo viên là một số cán bộ ngành Ngân hàng – Tài chính và một số sinh viên hệ chuyên tu I, sinh viên các khóa chính quy tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước. Đó là các nhà giáo Nguyễn Quang Long, Nguyễn Đức Chi, Hà Thảng, Cao Cự Bội, Lục Diệu Toán, Nguyễn Văn An… Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, Khoa được bổ sung thêm một số cử nhân Tài chính Ngân hàng học ở Liên Xô (cũ) và các trường Đại học khác về, tiêu biểu là cố nhà giáo Lương Bá Tiến, cố nhà giáo Vương Trọng Nghĩa. Trong giai đoạn này, chúng ta có sự giúp đỡ vô cùng to lớn và quý báu của các chuyên gia Trung Quốc trong những năm đầu tiên khi chuẩn bị đào tạo hệ thống chuyên tu, về sau là chính quy.

Một điều quan trọng được ghi nhận trong việc hình thành và bước đầu phát triển của Khoa Ngân hàng- Tài chính, là sự cộng tác và hỗ trợ của các Bộ, các ngành Trung ương, đặc biệt là của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và cá nhân cố Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng. Các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa Ngân hàng – Tài chính còn luôn ghi nhớ công lao của cố Giáo sư Trần Linh Sơn – Phó Tiến sĩ kinh tế đầu tiên của Việt Nam với quá trình hình thành và phát triển của Khoa trong những năm tháng đầu tiên. Hầu hết những sinh viên ra trường trong giai đoạn này đã trưởng thành trong thực tiễn đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1960 – 1975).

Trong những năm 1967-1977, do yêu cầu mới về đào tạo, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng được đưa sang trường "Cán bộ Tài chính-Kế toán-Ngân hàng Trung ương". Bên cạnh hoàn thành giáo trình “Tài chính – Tín dụng” Việt Nam, các giáo viên và cán bộ của bộ môn đã có nhiều khảo sát thực tế, nghiên cứu và phục vụ thực tiễn có hiệu quả bằng nhiều chuyên đề ứng dụng như: "Hoàn thiện hoạt động HTX tín dụng", "Đẩy mạnh hoạt động tài chính", viết tài liệu và giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo và trí thức miền Nam ngay sau giải phóng…

Từ năm 1977, chuyên ngành đào tạo bậc đại học ngành Ngân hàng được chuyển về Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Lúc đó, Khoa Ngân hàng (sau đổi tên là khoa Ngân hàng – Tài chính). Khoa đã bổ sung một số cán bộ là những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các Khoa khác trong trường, mà sau này trưởng thành và được phong hàm giám sư, phó giáo sư tiêu biểu là Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Hữu Tài, Trần Thị Hà, Lê Đức Lữ…

Khoa đã xây dựng được cơ cấu tổ chức gồm 3 bộ môn gồm: Tài chính, Ngân hàng và Kế toán; đào tạo được hàng ngàn sinh viên chuyên ngành Ngân hàng trong 8 khoá (tính từ khoá 19 năm 1977-1981 trở đi). Những sinh viên tốt nghiệp ra trường ở các khoá này trở thành đội ngũ cán bộ sung sức hoạt động trong ngành Ngân hàng – Tài chính hiện nay. Đồng thời, đội ngũ thầy và trò trong Khoa đã tham gia nghiên cứu khoa học, tiêu biểu là các chuyên đề nghiên cứu về "phân cấp tài chính, ngân sách", "cân đối tiền-hàng"… Những công trình đó đã có tác dụng thiết thực cả trong thực tiễn tạo đà cho sự phát triển và đổi mới của Khoa trong giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ làm công tác giảng dạy trong nước, từ năm 1987 đến nay, nhiều giáo viên của khoa đã được cử làm chuyên gia giảng dạy tại Cộng hoà nhân dân Campuchia, Lào, Madagascar. Phải nói rằng trong giai đoạn này khoa Ngân hàng – Tài chính  đã tự khẳng định được vị thế của mình đối với xã hội.

Tập thể cán bộ, giáo viên khoa tại lễ chia tay giảng đường khoá 48…

Đến những thành công khẳng định vị thế

Cùng với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, bắt đầu từ năm 1988, khoa Ngân hàng – Tài chính đã mở ra một thời kỳ cải tổ và phát triển liên tục, đạt được nhiều kết quả hàm chứa nhiều triển vọng. Trong đó, đáng kể là xác lập được một cơ cấu tổ chức mới. Khoa được cơ cấu thành 5 bộ môn và 1 Trung tâm. Các bộ môn này cho đến nay, nhìn chung, tương thích với mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Để cập nhật kiến thức, bên cạnh việc biên soạn các giáo trình mới, Khoa đã cho dịch và xuất bản một số sách giáo khoa của các trường đại học nổi tiếng thế giới làm tài liệu tham khảo chính cho giáo viên và sinh viên. Hàng ngàn sinh viên do Khoa đào tạo đang tiếp cận, hội nhập nhanh chóng với công nghệ Ngân hàng – Tài chính theo xu hướng đổi mới và hiện đại hoá, một phần lớn do được trang bị tri thức của các giáo trình hiện đại ấy. Cũng trong thời kỳ này, khoa Ngân hàng-Tài chính đã đào tạo thành công và có chất lượng 161 Tiến sĩ, hàng chục ngàn Thạc sĩ. Số cán bộ này thực sự đang phát huy năng lực, công tác có hiệu quả trong ngành Ngân hàng – Tài chính và các ngành kinh tế quốc dân. Chính điều đó đã nâng thêm uy tín cho Khoa, đồng thời góp phần phát huy ảnh hưởng của trường ra ngoài xã hội.

Cũng từ đó, thầy và trò khoa Ngân hàng – Tài chính đã hình thành một phong cách riêng, độc đáo trong nghiên cứu khoa học ứng dụng, lặng lẽ mà rất hiệu quả. Bên cạnh đề tài cấp Nhà nước và hầu hết đề tài cấp bộ do khoa Ngân hàng – Tài chính chủ trì đều được nghiệm thu xuất sắc, thì phải kể đến hàng loạt công trình khác mang tính ứng dụng với hiệu quả cao. Nổi bật là vào năm 1989, Nhà nước thực thi liệu pháp sốc "Lãi suất tiền gửi siêu cao so với mặt bằng lãi suất thời kỳ đó, lên đến 9% và 12%/tháng", chặn đứng được nạn lạm phát phi mã, bắt đầu từ phương án "nhốt tiền vào cũi" mà khoa Ngân hàng – Tài chính trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó, đề tài "Chính sách tiền tệ quốc gia" của Khoa đã đề xuất nội dung cơ chế lãi suất theo tín hiệu thị trường. Quan điểm và nội dung đó đã được ứng dụng trong nhiều năm qua ở nước ta và là tiền đề cho "tự do hoá lãi suất, tự do hoá tài chính" trong các giai đoạn tiếp theo và sắp tới.

Để gắn đào tạo với thực tiễn, Trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn về Ngân hàng – Tài chính được thành lập từ năm 1998 với sự hợp tác giữa CGAP (WB) và Đại học Kinh tế Quốc dân. Hoạt động phối hợp của Khoa Ngân hàng – Tài chính và Trung tâm vớicác ngân hàng, các tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học, áp dụng các mô hình quản lý tài chính và đánh giá dự án tài chính, đã củng cố và mở rộng các mối quan hệ của Khoa với hệ thống tài chính, thúc đẩy các hoạt động trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học.

Một thành công khác của Khoa trong giai đoạn này là thực hiện thành công quá trình chuẩn bị và giảng dạy chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao cho sinh viên ngành Ngân hàng – Tài chính, bắt đầu tuyển sinh từ khoá 48. Bên cạnh đó, Khoa cũng xuất sắc xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo theo tín chỉ. Các phương pháp truyền đạt mới và phương tiện giảng dạy hiện đại được giáo viên của Khoa triển khai áp dụng trong giảng dạy tất cả các môn học và với hầu hết hệ đào tạo. Đây là yếu tố quan trọng làm cho sinh viên của Khoa có hệ thống kiến thức toàn diện và hiện đại, được các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao trong quá trình tuyển chọn và sử dụng.
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh. Khoa đã có những cộng tác chặt chẽ với Trường ĐH California (Hoa Kỳ); Trường ĐH Trung Hoa (Hongkong); CGMA (Capital markets Limited – Vương quốc Anh); Bank of Tokyo – Misubishi (Nhật Bản); Ngân hàng Thế giới (World Bank); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Học viện Quản lý Châu Á (AIM)…

…và gặp mặt đầu xuân Tân Mão

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo và lãnh đạo Trường, Khoa được đầu tư nhằm phát triển năng lực đào tạo chuyên ngành. Nhiều giáo viên của Khoa đã được cử đi dự các khoá học ngắn hạn tại các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Cộng hoà Liên bang Đức, Australia. Đặc biệt là thầy và trò trong giai đoạn đổi mới và phát triển hiện nay, luôn giữ được không khí đoàn kết, tương thân tương ái bằng nhiều hình thức.  Sự đoàn kết chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi cho sự nghiệp đào tạo của Khoa trong tương lai.

Trước mắt, khoa Ngân hàng – Tài chính còn nhiều nhiệm vụ rất nặng nề. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, đổi mới và “Việt hóa” giáo trình, cơ cấu lại và phát triển tổ chức các bộ môn, cơ cấu lại các chuyên ngành, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đủ sức đương đầu với nhiệm vụ mới.

Tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Đại học Kinh tế quốc dân, và sự giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài Trường, Khoa Ngân hàng – Tài chính sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua những thử thách để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, phát triển lên một tầm cao mới.

Một số thành tích tiêu biểu: Ghi nhận những đóng góp của Khoa Ngân hàng – Tài chính trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và tư vấn, Khoa đã được Đảng và Nhà nước, các bộ ngành khen tặng: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục… Năm 2011, Khoa vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính lần 2 và Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần 2…


Yên Thành

Đang tuyển sinh