Hội thảo khoa học quốc tế: “Di cư lao động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị mới”
29/11/2022 2022-11-29 16:28Hội thảo khoa học quốc tế: “Di cư lao động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị mới”
Hội thảo khoa học quốc tế: “Di cư lao động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị mới”
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN – Liên bang Nga, chiều ngày 29/11/2022, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Di cư lao động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị mới” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời quốc tế có GS.TS Sergey V. Ryazantsev – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga; PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga; PGS.TS Artem S. Lukyanets – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga; PGS.TS Marina N. Khramova – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga; GS.TS Ohashi Kenichi – Đại học Rikkyo, Nhật Bản. Về phía lãnh đạo các cơ quan tại Việt Nam có ông Trịnh Minh Mạnh – Phó Vụ trưởng – Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng hội đồng chính sách giáo dục Quốc gia.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Đỗ Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các nhà khoa học đến từ Nga và Nhật Bản, các đại biểu khách mời đang tham dự trực tuyến qua kênh online và trực tiếp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Năm chéo Nga – ASEAN và được Bộ Giáo dục và khoa học Liên bang Nga đưa vào danh mục các hoạt động hợp tác khoa học – công nghệ ưu tiên giữa Nga và các nước ASEAN năm 2022. Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng phối hợp với Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga (MGIMO), Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong vài thập kỉ vừa qua, lao động di cư quốc tế đã nổi lên như một động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế ở cả nước xuất xứ và nước tiếp nhận, trong đó có các nước ASEAN. Việt Nam và các nước ASEAN là những nước có luồng di cư lao động lớn và đồng thời cũng là những địa chỉ tiếp nhận lao động ngoại và nội khối với xu hướng ngày càng tăng cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập và khẳng định vị thế của ASEAN trước toàn thế giới. Theo thống kê năm 2021 của Liên Hợp Quốc, gần 6,8 triệu người lao động nội khối trên tổng số 10 triệu lao động di cư hiện đang sinh sống và làm việc trong các nước ASEAN. Hiện ASEAN mở rộng cơ hội và cam kết thúc đẩy di chuyển tự do với mong muốn thúc đẩy xây dựng Cộng đồng hội nhập sâu và rộng về kinh tế, hỗ trợ phát triển cho các quốc gia trong khu vực. Điều đó đặt ra những vấn đề trong công tác quản lý lao động của Việt Nam và các nước ASEAN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường vui mừng được đồng hành cùng các đối tác từ Liên bang Nga là Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cùng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thiết thực và ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa ASEAN và Liên bang Nga về chủ đề di cư lao động và quản lý di cư lao động của các nước ASEAN.
PGS.TS Bùi Đức Thọ cũng cho biết, trong số các nước có hợp tác lao động với khu vực ASEAN, Liên bang Nga là đối tác có vị trí đáng kể. Cộng đồng người Việt Nam nói riêng và cộng đồng dân cư ASEAN nói chung chiếm số đông trong các cộng đồng người nước ngoài ở Liên bang Nga. Ngoài ra, các xu hướng di cư giáo dục từ ASEAN sang Liên bang Nga cũng gia tăng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế năng động của các nước ASEAN và quan hệ đã được nâng tầm đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và ASEAN, lao động từ Liên bang Nga hiện diện ngày càng nhiều tại Việt Nam và các nước ASEAN. Mặc dù đại dịch covid và những tác động từ bối cảnh địa chính trị thời gian qua ảnh hướng đáng kể tới các luồng lao động di cư giữa Nga và ASEAN. Song, cùng với những định hướng hợp tác chiến lược của Liên bang Nga và ASEAN đến năm 2025 vì mục tiêu phát triển kinh tế, mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các bên, hoạt động di cư lao động giữa các bên được dự đoán sẽ có những biến chuyển mới. Tuy nhiên, trong công tác quản lý lao động, phối hợp giữa các bên để giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích cho người lao động nhập cư vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi cả Liên bang Nga cũng như các nước ASEAN cần tìm kiếm các giải pháp chính sách phù hợp và hiệu quả.
PGS.TS Bùi Đức Thọ mong muốn với sự góp mặt của các chuyên gia Liên bang Nga, Nhật Bản và Việt Nam tại diễn đàn hôm nay, các vấn đề nêu trên sẽ được trao đổi, bàn luận một cách thẳng thắn, nhiệt tình để tìm được lời giải đáp, góp phần hoàn thiện chính sách quản lý lao động của mỗi quốc gia.
GS.TS Sergey V. Ryazantsev – Viện trưởng Viện Nghiên cứu nhân khẩu học, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga phát biểu chào mừng
Là một nước thành viên quan trọng trong ASEAN, từ lâu Việt Nam đã có chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, cũng như tăng nguồn kiều hối gửi về nước. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội của Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 100 nghìn người Việt đi lao động ở nước ngoài. Nếu tính tổng số lao động hiện tại, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 30 ngành nghề khác nhau, trong đó LB Nga là một trong những thị trường lao động quan trọng do các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế.
Tuy nhiên, lao động Việt Nam trên thế giới nói chung và tại LB Nga nói riêng trong thời gian qua đã chịu những thiệt hại đáng kể trước những tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 và những tác động không mong muốncủa xung đột Nga – Ucraine. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất cập liên quan đến lao động Việt Nam tại Nga chưa giải quyết được một cách căn cơ như thu nhập thấp, tình trạng pháp lý không ổn định, chưa tuân thủ pháp luật của chính quyền sở tại…
Ông Trịnh Minh Mạnh – Phó Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao phát biểu chào mừng tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga phát biểu
PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước hiện nay liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và Liên bang Nga trong việc quản trị hiệu quả dòng di cư lao động của Việt Nam sang Liên bang Nga đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Với sự tham gia của các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín của hai nước, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga hy vọng những vấn đề nêu trên sẽ được thảo luận một cách tích cực, thẳng thắn và mang tính khoa học, có những gợi ý chính sách thiết thực đối với các nhà hoạch định chính sách của hai bên nhằm góp phần giải quyết những tồn tại bất cập hiện nay cũng như những thách thức trong tương lai trước những bối cảnh mới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông