Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0”
27/09/2024 2024-09-27 16:25Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0”
Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0”
Ngày 26/9/2024 tại Vĩnh Phúc, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Thống Kê tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0” trong khuôn khổ Đề tài khoa học ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Nguyễn Minh Vinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê; ông Bùi Đức Thọ – Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ; ông Phan Quang Vinh – Trưởng Phòng QLKH Sở Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Văn Tuyến – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công Thương; bà Trần Huyền Trang – Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; ông Hoàng Văn Bản – Thanh tra Sở GTVT, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cùng một số sở, ngành và doanh nghiệp logistics trên địa bàn.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có: TS. Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh; TS. Bùi Thị Lành – Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế cùng đại diện lãnh đạo một số khoa, viện, giảng viên của Trường và nhóm nghiên cứu đề tài.
Logistics có vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, giúp hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Sự phổ biến rộng rãi của Internet và công nghệ kỹ thuật số đã tạo một cuộc cách mạng hóa trong quá trình cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics. Dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tể quốc tế.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc là nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn, một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước trong thu hút các dự án FDI. Do đó, việc quy hoạch và phát triển các dịch vụ logistics đã được tỉnh quan tâm đặc biệt. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, bên cạnh những cơ hội lớn, logistics tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài khoa học ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân “Đánh giá năng lực cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, Hội thảo Khoa học quốc gia “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức tại Vĩnh Phúc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp logistics trong nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tích hợp với Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đã làm thay đổi trong cung ứng dịch vụ logistics.
TS. Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo TS. Vũ Tuấn Anh, hiện chi phí logistics ở các quốc gia phát triển chiếm khoảng 10% GDP, trong khi đó con số này ở các nước đang phát triển có thể lên đến trên 20% GDP. Các nhân tố tác động đến chi phí này bao gồm: Quy hoạch, cơ chế chính sách, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực cũng như mức độ trưởng thành của thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Việt Nam đã quan tâm, khuyến khích phát triển các hoạt động logistics. Tuy nhiên, việc phát triển các dịch vụ logistics đang gặp phải nhiều thách thức.
Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài khoa học ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân “Đánh giá năng lực cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, Hội thảo Khoa học quốc gia “Phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức.
Tham luận của các diễn giả đến từ đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics và nhóm nghiên cứu đề tài trình bày tại Hội thảo.
Các công nghệ sử dụng trong logistics giao hàng chặng cuối, chặng chuyển từ kho trung gian tới tay người dùng cuối cùng, được diễn giả Cao Cẩm Linh- UVBCH, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam; Tư vấn trưởng – Công ty CP Tư vấn Viettel, trình bày với chủ đề “Công nghệ Lastmile logistics cho thương mại điện tử”. Nội dung tập trung vào những công nghệ ứng dụng trong giao hàng chặng cuối của Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (Viettel Logistics) như công nghệ robot và xe tự hành, nhà kho thông minh, hệ thống vận tải thông minh, big data trong giao hàng chặng cuối; những cơ hội và khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đang đối mặt và đưa ra những vấn đề liên quan đến sức thu hút của các nhà cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, chia sẻ những góc nhìn về thực trạng cũng như những cơ hội và thách thức trong nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistichs trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các ý kiến trao đổi từ đại diện các doanh nghiệp về những thuận lợi và khó khăn trong cung ứng dịch vụ logistics của doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics trên địa bàn cũng được trình bày và trao đổi tại Hội thảo.
Những đóng góp của Hội thảo sẽ là cơ sở đề xuất, tham mưu cho tỉnh trong thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Bài và ảnh: Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh