Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng hệ thống tài chính tiền tệ và những tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”
10/12/2018 2018-12-10 4:14Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng hệ thống tài chính tiền tệ và những tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”
Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng hệ thống tài chính tiền tệ và những tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”
Sáng ngày 10/12/2018, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thực trạng hệ thống tài chính tiền tệ và những tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam” nằm trong khuôn khổ đề tài: “Rào cản tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục” thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 chương trình KX01.18/16-20.
Quang cảnh hội thảo
Đến tham dự hội thảo, về phía khách mời ngoài trường có TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Hiệp hộiQuản trị Doanh nghiệp Việt Nam; TS Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế; TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV; TS. Lê Hải Mơ – Viện chiến lược Bộ Tài chính. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Chủ nhiệm đề tài KX01.18/16-20. Về phía các thành viên Hội đồng Khoa học trường có GS.TSKH Lương Xuân Quỳ – nguyên Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Hiệu trưởng; GS.TSKH Lê Du Phong – nguyên Quyền Hiệu trưởng; cùng các thành viêng Hội đồng khoa học và đào tạo; các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài trường.
PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chào đón các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã đến tham dự hội thảo “Thực trạng hệ thống tài chính tiền tệ và những tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”. PGS.TS Trần Thị Vân Hoa nhận định: “Sau hơn 30 năm cải cách, hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hình thành khá đầy đủ các cấu phần cần thiết, đã có phần lớn các thị trường bộ phận, các định chế tài chính, các công cụ tài chính và mô hình giám sát. Đây là kết quả của những nỗ lực phát triển thị trường tài chính nói riêng và phát triển nền kinh tế thị trường nói chung”. Phó Giáo sư Trần Thị Vân Hoa cho biết: “Đến năm 2016, hệ thống gồm có 96 NHTM (bao gồm các chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 160 tổ chức kinh doanh chứng khoán, 61 doanh nghiệp bảo hiểm, hơn 1000 định chế tài chính phi ngân hàng. Hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam đã có đóng góp lớn đến nền kinh tế nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tiếp cận hệ thống tài chính tiền tệ hiện nay đang gặp nhiều rào cản tài chính tiền tệ khác nhau. Các rào cản tài chính tiền tệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp được hiểu là những khó khăn, điểm nghẽn, trở ngại mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tiếp cận với các nguồn tài chính bên ngoài trong hệ thống tài chính tiền tệ”.
PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Chủ nhiệm đề tài KX01.18/16-20 trình bày tham luận “Tổng quan doanh nghiệp Việt Nam và các rào cản phát triển”
PGS.TS Lê Thị Thanh Tâm – Viện Ngân hàng – Tài chính trình bày tham luận “Tổng quan về hệ thống tài chính tiền tệ và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của doanh nghiệp”
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV trình bày tham luận “Hệ thống tài chính – tiền tệ và tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam”
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Khoa Kinh tế học trình bày tham luận “Khó khăn tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp SME ở Việt Nam”
Theo kết quả các cuộc khảo sát doanh nghiệp đều chỉ ra rằng khả năng tiếp cận tài chính và chi phí tiếp cận tài chính đang là rào cản lớn đến các doanh nghiệp. Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra của World Bank cho thấy có 24,7% doanh nghiệp Việt Nam coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không phát triển được. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với ở Indonesia (6,3%), Thái Lan (4,9%) và Malaysia (0,9%). Kết quả Điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa của CIEM cũng cho thấy thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính (tính thanh khoản, rào cản về tiếp cận tín dụng) vẫn là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp. Số liệu điều tra trực tiếp từ 695 doanh nghiệp của đề tài thực hiện năm 2017 cũng cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nhau như lãi suất, thủ tục vay vốn, chi phí lót tay, tài sản thế chấp, phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu… khi tiếp cận vốn tín dụng. Những rào cản này, theo đó, có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nếu không nhận diện đúng và khắc phục một cách có hiệu quả các rào cản này, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, theo đó, nền kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề: Phân tích quá trình phát triển, đặc điểm và thực trạng của hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam; Phân tích quá trình phát triển, đặc điểm, thực trạng và các ràng buộc phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam; Làm rõ các rào cản nhìn từ hệ thống tài chính tiền tệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam; Đề xuất quan điểm, định hướng và hệ thống các giải pháp khắc phục các rào cản tài chính, tiền tệ nhằm đẩy mạnh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2025.
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông