Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên trong nền kinh tế hội nhập”
12/11/2024 2024-11-12 21:33Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên trong nền kinh tế hội nhập”
Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên trong nền kinh tế hội nhập”
Sáng nay 12/11/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên trong nền kinh tế hội nhập”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có: ông Nguyễn Quang Thức – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Quang Huy – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Đáp – Trung tâm Thông tin, Bộ TN&MT. Về phía Trường Đại học Mỏ – Địa chất có GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thế Vinh – Bí thư Đảng uỷ, Khoa Dầu khí.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Bất động sản & Kinh tế tài nguyên; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm của hai trường; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý cề các lĩnh vực quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, các trường đại học, học viện.
GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất phát biểu khai mạc Hội thảo
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân báo cáo đề dẫn Hội thảo
Thay mặt lãnh đạo Trường, GS.TS Phạm Hồng Chương nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các cán bộ quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên từ các cơ quan bộ ngành, địa phương, các trường đại học và các viện nghiên cứu đã tới tham dự Hội thảo “Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên trong nền kinh tế hội nhập”.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS. Phạm Hồng Chương cho hay, chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 tại Đại hội Đảng lần thứ VIII thừa nhận tăng trưởng kinh tế cho đến nay đã tiêu tốn tài nguyên của quốc gia ở mức không bền vững và dẫn đến tình trạng cạn kiệt. Theo đó, Chính phủ đã bắt đầu điều chỉnh các kế hoạch và khung pháp lý tương ứng, có thể kể đến Chiến lược tăng trưởng xanh mới của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) chủ trì, Quy hoạch Phát triển Điện VIII (PDP8), Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015 cùng các chính sách cụ thể. Nhiều cơ chế chính sách và khung khổ pháp luật không ngừng được hoàn thiện như Luật Đất đai 2024, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản…
Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Mỏ – Địa chất tổ chức Hội thảo này nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học và viện nghiên cứu liên quan.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS. Phạm Hồng Chương cảm ơn sự tham gia chia sẻ ý tưởng và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm đến vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.
PGS.TS Vũ Thị Minh – Khoa BĐS&KTTN, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận: Xu hướng khai thác, sử dụng TNTN và các sản phẩm, dịch vụ TNTN trong bối cảnh hội nhập quốc tế
PGS.TS Lê Xuân Thành – Trường Đại học Mỏ – Địa chất trình bày tham luận: Năng lượng tái tạo của Việt Nam, tiềm năng, thực trạng và dịch chuyển về chính sách điều tiết giá điện thương phẩm
Ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng phòng Bảo vệ Môi trường trình bày thamluận: Tình hình thực hiện chuyển dịch năng lượng của một số công ty dầu khí quốc tế hiện nay và các hàm ý cho các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam
TS. Lê Đăng Thức – Ban khai thác Tập đoàn Dầu khi Việt Nam trình bày tham luận: Công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ cacbon trong xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch
Với 44 bài viết mà Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn trong số các bài viết nhận được, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đại học… đã nêu ra nhiều ý kiến đa chiều về và các giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản… trong đó có nhiều ý kiến thảo luận về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, để nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn được phân bổ, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và công bằng trong dài hạn.
Theo đó, hiện nay, tài nguyên thiên nhiên là một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 16,3% tổng sản phẩm quốc nội. Việt Nam là một quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ tài nguyên thiên nhiên. Rừng Việt Nam là kho tài nguyên quý báu vì có sự đa dạng sinh học và hệ động thực vật. Với hệ thống 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, Việt Nam được đánh giá là có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về nguồn nước mặt và nguồn nước dưới lòng đất. Với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam và 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về trữ lượng, sản lượng của một số khoáng sản quan trọng, trong đó có bốn nguồn tài nguyên thiên nhiên chính là Than, Bauxite, Dầu và Khí đốt. Việt Nam là nơi có nhà máy điện than lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam là nước sản xuất nhiều khoáng sản hàng đầu thế giới như sản lượng bauxite đứng thứ 11, vonfram đứng thứ 2, xi măng đứng thứ 3 thế giới vào năm 2023, là quốc gia có trữ lượng đất hiếm được ước tính là lớn thứ hai thế giới. Vị trí địa lý độc đáo với nguồn tài nguyên dồi dào khiến Việt Nam trở thành địa điểm tuyệt vời để đầu tư vào năng lượng tái tạo. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng năng lượng gió hàng đầu Đông Nam Á và xếp hạng trong 12 quốc gia hàng đầu trên toàn cầu về tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, sự suy thoái của tài nguyên thiên nhiên hiện tại đang trở nên trầm trọng hơn do chưa được quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả. Tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hiện nay cao gấp 3 lần so với cuối những năm 90. Nguyên nhân là do dân số tăng cao và nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội. Trong tương lai, để mở rộng phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ cần chuyển từ cách tiếp cận không hiệu quả khi tài nguyên được sử dụng trong sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với các nước khác sang mô hình phát triển quản lý tài nguyên hiệu quả và bền vững hơn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đón tiếp và làm việc với đoàn Trường Đại học Mỏ – Địa chất trước giờ khai mạc Hội thảo
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông