Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu về thị trường ESG mới nổi và gợi mở chính sách cho Việt Nam”
31/10/2024 2024-10-31 8:41Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu về thị trường ESG mới nổi và gợi mở chính sách cho Việt Nam”
Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu về thị trường ESG mới nổi và gợi mở chính sách cho Việt Nam”
Sáng ngày 31/10/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu về thị trường ESG mới nổi và gợi mở chính sách cho Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có: TS. Lê Huy Khôi – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương; PGS.TS Nguyễn Hiền Phương – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Đỗ Phú Hải – Ban công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội; ông Tô Lý Cường- Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Công ty Luật TNHH Hưng Thịnh; PGS.TS Đinh Thị Mai – Khoa Luật, Đại học Đà Lạt; TS. Tống Hưng Tâm – Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ KH&ĐT; bà Phạm Hồng Ngọc – Phụ trách Pháp lý Siemens tại Việt Nam; ông Nguyễn Minh Hồng – Giám đốc CTCP Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Bắc; bà Vũ Như Anh – Chương trình Net Zezo, Đài Truyền hình Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn; TS. Hoàng Xuân Trường – Trưởng khoa Luật; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị – xã hội, các cán bộ giảng viên và sinh viên của Trường.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay, ESG: Environment – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp, là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp các tổ chức có liên quan xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúngvào vận hành trong thực tiễn.
Việc đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững khi làm việc với các đối tác EU, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là EVFTA là vấn đề không mới, thậm chí, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng đã được bàn thảo nhiều lần.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, dù thường xuyên bàn thảo nhưng vẫn có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện xuất khẩu, hoặc xuất khẩu hàng sang bị trả về từ thị trường EU. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp không tìm hiểu, không tuân thủ các quy định về pháp luật. Hơn nữa, các đối tác châu Âu hiện đã thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, tiến lên mức thu nhập trung bình nên yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khi nhập khẩu hàng hoá từ thị trường này.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, EU đã luật hoá các quy định liên quan đến phát triển bền vững, ESG (môi trường, xã hội, quản trị), nên việc tuân thủ không chỉ từ việc đáp ứng của các doanh nghiệp và bản thân chính sách pháp luật nước ta cũng phải có sự thích ứng, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ ESG và xây dựng khung pháp lý phù hợp trong bối cảnh mới.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận: Chỉ thị của Liên minh Châu Âu về báo cáo bền vững của doanh nghiệp và một số lưu ý đối với Việt Nam
PGS.TS Đỗ Phú Hải – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận: Gợi mở hành động chính sách qua nghiên cứu những vấn đề pháp lý của Liên minh Châu Âu về thị trường ESG
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi, cập nhật các quy định pháp luật, nhất là liên quan đến ESG để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa hàng hoá xuất khẩu.
Theo PGS.TS Đỗ Phú Hải – Ban công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, EU đã đưa ra Luật Kế toán Bền vững của Doanh nghiệp trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết về ESG, nên Việt Nam có thể phát triển hệ thống tương tự để tăng tính minh bạch. Trong đó cần tăng cường kiểm toán và giám sát các báo cáo ESG, đưa ESG vào chiến lược xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, yêu cầu doanh nghiệp lớn công khai về ESG…
Hay với Luật Phân loại bền vững (EU Taxonomy) của EU, Luật này cũng định nghĩa các hoạt động bền vững, giúp thúc đẩy đầu tư xanh, thì Việt Nam nên xây dựng hệ thống phân loại ESG tương tự. Luật về nghĩa vụ thẩm định trách nhiệm xã hội và môi trường (CSDDD) yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng, điều mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng như thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thẩm định ESG…
EU cũng khuyến khích doanh nghiệp tích hợp ESG để nâng cao cạnh tranh. Việt Nam nên có ưu đãi tương tự bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư xanh, tài chính xanh cũng như tăng cường nhận thức và đào tạo về ESG…“Khung pháp lý ESG của EU là bài học quý giá giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, thúc đẩy tính cạnh tranh và phát triển bền vững”, PGS.TS Đỗ Phú Hải nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Công ty Luật TNHH Hưng Thịnh trình bày tham luận: Xu thế lập pháp của Liên minh Châu Âu về việc điều chỉnh ESG trong lao động và bài học cho Việt Nam
PGS.TS Trần Văn Nam – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận: Nghiên cứu tình huống vi phạm đạo luật không khí sạch của hãng sản xuất ô tô Volkswagen và liên hệ về nhu cầu sử dụng hoà giải sớm các tranh chấp liên quan tới ESG
Đại diện cho hơn 20 tác giả từ Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Trần Văn Nam đã trình bày bài tham luận về vụ bê bối khí thải Volkswagen (Đức) cùng những hệ luỵ xảy ra với chính tập đoàn sản xuất xe hơi này về thiệt hại vật chất và danh tiếng. Bài tham luận đã phân tích tác động của hành vi gian lận của Volkswagen khiến cho các chuỗi cung ứng liên quan đến động cơ diesel của Volkswagen cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực, mất doanh thu đến suy giảm uy tín trong ngành công nghiệp.
PGS.TS Trần Văn Nam nhấn mạnh rằng qua vụ Dieselgate các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm khi xử lý khủng hoảng. Việc Volkswagen đã che giấu và giải thích vụ việc một cách không minh bạch, khiến cho tình hình trở nên xấu hơn. Đây cũng là bài học quan trọng cho các doanh nghiệp khác trong việc xây dựng chiến lược truyền thông minh bạch và nhất quán. Dieselgate không chỉ là vấn đề về vi phạm pháp luật mà còn gây ra tác động môi trường tiêu cực do lượng khí thải vượt mức tiêu chuẩn. Bài tham luận nêu bật những tác động của khí thải NOx đối với sức khỏe con người và môi trường, từ đó giúp cộng đồng hiểu sâu hơn về hậu quả nghiêm trọng của hành vi gian lận. Trong bối cảnh nước ta chưa phổ biến các kiến thức sâu rộng về ESG, khái niệm ESG và hòa giải sớm vẫn còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, quy trình hòa giải sớm cần được quy định cụ thể, pháp luật hiện hành cần hỗ trợ hòa giải sớm trong các tranh chấp ESG, chẳng hạn như việc công nhận và thực thi kết quả hòa giải sớm ngoài quy trình tố tụng hay hòa giải thương mại thông thường. Thời gian tới, Việt Nam cần luật hoá quy định về hòa giải sớm, đẩy mạnh các chương trình đào tạo và hội thảo về ESG, đồng thời khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao nhận thức.
Các đại biểu trao đổi và thảo luận tại Hội thảo
Với 34 bài nghiên cứu đuợc chấp nhận đăng Kỷ yếu khoa học có phản biện , Hội thảo đã cung cấp cái nhìn tổng quan toàn diện về các nguyên tắc của ESG và sự phát triển từ các tiêu chuẩn tự nguyện sang các quy định bắt buộc, nêu những phát triển pháp lý gần đây như Đạo luật chuỗi cung ứng của Đức và Chỉ thị về tính bền vững của doanh nghiệp EU. Liên hệ bài học rút ra về ESG đối với Việt Nam là một đóng góp quan trọng của các tác giả, các diễn giả tham gia viết bài và tham dự sự kiện có tính thời sự thiết thực này.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông