Hội thảo khoa học Quốc gia “Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh mới”
26/05/2022 2022-05-26 15:37Hội thảo khoa học Quốc gia “Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh mới”
Hội thảo khoa học Quốc gia “Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh mới”
Sáng ngày 26/5/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; TS. Bùi Sỹ Tuấn – Phó chánh Văn phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; TS. Bùi Thái Quyên – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Đối ngoại, Viện Khoa học Lao động và Xã hội; TS. Bùi Quốc Anh – Phó trưởng phòng Nghiên cứu Tiền lương và Quan hệ lao động, Viện Khoa học lao động và Xã hội. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Vũ Hoàng Ngân – Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh, Lao động việc làm luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực và đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Trong giai đoạn này, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn do người lao động chưa thích nghi được với quá trình chuyển đổi số/hình thức làm việc của doanh nghiệp cũng như phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng lao động. Nguồn cung lao động cũng đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng như bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút nghiêm trọng… Đặc biệt một số đối tượng dễ bị tổn thương hơn như: thanh niên, phụ nữ, lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp, lao động nhập cư… GS.TS Trần Thị Vân Hoa hi vọng Hội thảo sẽ nhận được những ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, các nhà khoa học để làm căn cứ đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển việc làm bền vững, hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đặc biệt lao động dễ bị tổn thương.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu
Sau gần 2 tháng chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. Hơn 40 bài viết đã được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo. Trong quá trình biên tập, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 31 bài viết có chất lượng và phù hợp để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết tập trung khai thác những vấn đề đa chiều về các chủ đề lớn: (1) Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19; (2) Lao động – việc làm của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và (3) chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
TS. Bùi Thái Quyên – Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày tham luận “Tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 tới lao động – việc làm trong ngành CNTT Việt Nam”
TS. Hoàng Thị Huệ và Nguyễn Quang Huy – Khoa KT&QLNNL, Trường ĐH KTQD trình bàytham luận “Việc làm và thu nhập của lao động phi chính thức trong bối cảnh Covid-19 tại Việt Nam”
Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông