Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Đánh giá chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số từ đổi mới đến nay”
31/03/2018 2018-03-31 21:45Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Đánh giá chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số từ đổi mới đến nay”
Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Đánh giá chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số từ đổi mới đến nay”
Sáng ngày 29/03/2018, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Hội đồng Dân tộc và Cục Bảo trợ Xã hội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Đánh giá chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số từ đổi mới đến nay”.
Đến tham dự hội thảo, về phía khách mời có có sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà Khoa học: TS. Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội; TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội; TS. Nguyễn Cao Thịnh – Phó vụ Trưởng Vụ Tổng hợp, Uỷ ban dân tộc; TS. Bùi Tôn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội; TS. Nguyễn Hữu Dũng – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; TS. Nguyễn Hải Hữu – Hiệp Hội dạy nghề; TS. Vi Văn An – Trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm, Phó Chủ nhiệm chương trình Thái học Quốc gia; TS. Nguyễn Huy Thái – Vụ giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đặng Văn Cường – Trưởng phòng Truyền thông và hợp tác Quốc tế, Văn phòng Nông thôn mới Trung Ương; ThS. Nguyễn Văn Huân – Chánh văn phòng, Chương trình CTDT/16-20; cùng nhiều chuyên gia tại các Viện nghiên cứu và trường Đại học. Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sự hiện diện của PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu Trưởng Nhà trường; PGS.TS Đỗ Thị Hải Hà – Trưởng Khoa Khoa học Quản lý; cùng đại diện các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường.
TS Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu khai mạc
PGS.TS Đỗ Thị Hải Hà trình bày dẫn nhập hội thảo
Mở đầu phiên hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Hải Hà đã trình bày những mục tiêu đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản đến năm 2020. Tuy nhiên thực trạng hiện nay phản ánh những con số còn rất xa so với mục tiêu: 47,6% người Mảng sống ở nhà tạm; 40% người Hoa sống ở nhà kiên cố; trong khi người Ơ Du là 0%; có gần 65,1% hộ dân tộc thiểu số nghe Đài tiếng nói Việt Nam; lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề chỉ chiếm 3% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động.
TS Đặng Văn Cường trình bày tham luận tại hội thảo
Đến tham luận với hội thảo, TS Đặng Văn Cường cho biết thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới 7 năm qua đã giúp bộ mặt khu vực nông thôn thay đổi rõ rệt, tạo nên một động lực mới để phát triển khu vực nhiều rủi ro, ít sức hút đầu tư này. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cũng cho thấy khoảng cách ngày càng giãn ra giữa miền núi và đồng bằng, giữa vùng có lợi thế và vùng đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ đạt tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo của 1 số xã còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước như Cao Bằng 9%, Bắc Kạn 12%, Điện Biên 12,1%, Sơn La 12,8%. Nguyên nhân chủ yếu là do các xã thuộc khu vực miền núi địa hình bị chia cắt, khả năng huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế.
TS Vi Văn An trình bày tham luận tại hội thảo
Ở một góc nhìn khác, TS Vi Văn An cũng chỉ ra những thách thức đang gặp phải ở vùng dân tộc thiểu số. Thu nhập của đa phần người dân tộc thiểu số đến từ sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập này thường không ổn định và mang tính rủi ro cao do những bất ổn về thời tiết và thị trường, chất lượng đất đai còn kém. Một số định kiến dân tộc trở thành rào cản để phát triển. Vậy các tộc người thiểu số thực sự cần gì để hội nhập và phát triển bền vững? Tiến sĩ An cho rằng cần chỉ cho họ phương thức tìm “cá” và cách làm “cần”. Người lao động vùng dân tộc thiểu số cần được trang bị những kiến thức căn bản về thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị và gắn kết người nông dân với các doanh nghiệp.
TS Nguyễn Văn Hồi trình bày tham luận tại hội thảo
Trong phiên thảo luận thứ nhất, TS Nguyễn Văn Hồi cũng đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm tới dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững.Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận và trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật pháp, chính sách về hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.
TS Nguyễn Hữu Dũng trình bày tham luận tại hội thảo
TS Nguyễn Hữu Dũng lại cho rằng cần xây dựng chi tiết khung giám sát đánh giá chính sách đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc. Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc thiểu số để bổ sung cập nhật khung thống nhất. Xây dựng thành kênh riêng và cập nhật cơ sở dữ liệu đào tạo nghề trong hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp quốc gia.
TS Bùi Tôn Hiến trình bày tham luận tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương trình bày tham luận tại hội thảo
Với phiên thảo luận về dạy nghề và giải quyếtviệc làm cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số, TS Bùi Tôn Hiến cho rằng hiệu quả đào tạo nghề là một quan niệm rộng, không có tiêu chí hay chỉ tiêu tổng hợp về hiệu quả đào tạo nghề cho một vùng, một địa phương, đặc biệt càng không có chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chung của đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số. Hiệu quả của đào tạo nghề được xem xét toàn diện bằng hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả về kinh tế, về xã hội của đào tạo nghề, là một tập hợp các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá trên nhiều phương diện, nhiều mặt về hoạt động, kết quả và tác động có so sánh nguồn lực bỏ ra với lợi ích mang lại của đào tạo nghề. Trình bày tại phiên thảo luận này, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng đào tạo giống như các hoạt động kinh tế đầu tư khác, yêu cầu phải có chi phí đầu vào, thời gian và tài chính. Do vậy, người tổ chức đào tạo phải có thông tin về hiệu quả các nguồn lực đã sử dụng, đo lường mức độ tác động của đào tạo đến hoạt động của người lao động và hành vi, thái độ, tình cảm của họ. Để thực hiện được điều này, cần phải thống nhất qui trình đánh giá và các mô hình đánh giá, các nội dung cần lưu ý khi tổ chức đánh giá hiệu quả đào tạo đối với dân tộc thiểu số để thực hiện công cụ đánh giá.
PGS.TS Trần Thị Vân Hoa phát biểu tổng kết hội thảo
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới các chuyên gia, các nhà khoa học đã tới tham dự, đóng góp ý kiến tham luận để buổi hội thảo thành công tốt đẹp. Với góc nhìn đa chiều về một vấn đề, các chuyên gia và nhà khoa học đã có những ý kiến hết sức ý nghĩa và giải pháp thiết thực để góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Hy vọng những giải pháp này sẽ sớm đi vào thực hiện, giúp cho người dân tộc vùng dân tộc thiểu số sớm có được một việc làm ổn định, một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông