Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm”

Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm”

Bản tin NEUHội thảo khoa họcTin tức mới nhất

Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm”

Trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động của Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát chuyển giá đối với doanh nghiệp Việt Nam” – mã số KX01.02/16-20 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì. Sáng ngày 21/12/2017, tại phòng 1005 – A2, Tòa nhà Trung tâm đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng nhóm nghiên cứu Đề tài KX01.02/16-20 đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm” nhằm trao đổi một số ý kiến liên quan tới những vấn đề lý luận, thực trạng về chuyển giá, kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam.


Quang cảnh Hội thảo “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm”

Đến tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Nhà nước có sự hiện diện của TS Phạm Ngọc Thắng – Hàm Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế; bà Doãn Thị Oanh – Phó Cục trưởng Cục thuế Hưng Yên; PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước; bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Trưởng phòng trị giá, Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan; đại diện Phòng Thanh tra giá chuyển giao của Tổng cục Thuế và Cục thuế Hà Nội. Về các Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp có sự hiện diện của bà Vũ Lệ Hường – Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales ICAEW Việt Nam; ông Hoàng Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc, dịch vụ tư vấn Thuế Quốc tế, KPMG Việt Nam; bà Đỗ Thanh Tâm – Giám đốc dịch vụ Thuế và Tư vấn Doanh nghiệp – Công ty TNHH Mazars, ông Đỗ Trung Kiên – Công ty Deloite Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sự hiện diện của PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh, Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán, Chủ nhiệm đề tài KX01.02/16-20 cùng các thành viên đề tài, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường, các vị khách mời, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế trong cả nước.


PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng và đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng và đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết: “Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu mà tất cả các nước đã và đang hướng đến với mong muốn đưa đất nước ngày càng ổn định và phát triển thịnh vượng hơn. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp có qui mô ngày càng lớn, cơ cấu tổ chức ngày càng phức tạp, hoạt động mua bán trong nội bộ đơn vị diễn ra phổ biến. Giá chuyển giao được doanh nghiệp xác định theo cách có lợi cho mục tiêu cụ thể của họ nhưng giá đó có thể đưa ra những thông tin lệch lạc cho nền kinh tế khi nó không phản ánhmột cách hợp lý giá trị thật của giao dịch. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong nghiên cứu về chuyển giá nhằm đề xuất các giải pháp hạn chế chuyển giá của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia “Nghiên cứu và Đề xuất giải pháp kiểm soát chuyển giá đối với doanh nghiệp Việt Nam”, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân long trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá: những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm”. Phó Giáo sư hi vọng Hội thảo lần này sẽ là diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu chia sẻ và trao đổi một số ý kiến liên quan tới lý luận về chuyển giá, kiểm soát chuyển giá cũng như những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về kiểm soát chuyển giá. Qua đó, có thể hiểu rõ hơn về thực trạng chuyển giá và kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyển giá và kiểm soát chuyển giá đã được nhiều nhà khoa học, nhiều học giả trong nước và quốc tế nghiên cứu và vận dụng nhằm đề xuất các giải pháp hạn chế chuyển giá. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinhtế (OECD) cũng đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn về chuyển giá và kiểm soát chuyển giá. Tuy vậy, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, các hình thức chuyển giá ngày càng đa dạng và các thủ đoạn chuyển giá cũng ngày càng tinh vi. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện lý luận và khung pháp lý về kiểm soát chuyển giá cho phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội mới, trong đó có Việt Nam. Như vậy, trên phương diện lý luận, nghiên cứu về chuyển giá và kiểm soát chuyển giá là một yêu cầu cấp thiết.


PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh – Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo



TS Phạm Ngọc Thắng – Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Trên phương diện thực tiễn, trong những năm gần đây, tình trạng hoạt động kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô lớn và tình trạng lỗ triền miên của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam khá phổ biến. Mặc dù bị lỗ liên tục như vậy song hầu hết các doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh và có doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Đó là điều rất bất thường. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, song chuyển giá chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu.




 Các đại biểu trình bày tham luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo lần này là cơ hội gặp gỡ, kết nối và lắng nghe những ý kiến trao đổi từ phía các vị đại biểu liên quan đến chủ đề chuyển giá và kiểm soát chuyên giá. Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết tâm huyết và đã lựa chọn được 29 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết tập trung nghiên cứu về các phương pháp xác định giá chuyển giao, các dấu hiệu nhận biết chuyển giá và các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển giá của doanh nghiệp, hay những nhận định chuyển giá gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chuyển giá, kiểm soát chuyển giá tại các nước Đông Nam Á, các nước Châu Á có nền kinh tế chuyển đổi và các nước phát triển. Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hướng tới bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát chuyển giá cũng như về thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp.


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đang tuyển sinh