Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
21/03/2023 2023-03-21 19:40Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
Sáng 21/3/2023, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Bùi Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Cao Đức Phát – Nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS Vũ Văn Hà – Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các thành viên Hội đồng Khoa học Đào tạo; đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị – xã hội; các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, qua 50 năm thống nhất, xây dựng đất nước, với những thành công và hạn chế cả về lý luận và thực tiễn, phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ Tổ quốc, trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra hiện nay là: Những phát triển trong lý luận, nhận thức và kết quả thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế cần được tổng kết một cách hệ thống, những hạn chế, bất cập cần được xác định và tập trung nghiên cứu làm rõ, để xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới nói chung, đổi mới phát triển kinh tế nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình.
Giáo sư Hiệu trưởng kỳ vọng các ý kiến đến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia sẽ góp phần hiệu quả vào việc tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc qua 50 năm thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó làm góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lới đổi mới, trong đó có nội dung đổi mới phát triển kinh tế nhằm phục vụ xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
PGS.TS Vũ Văn Hà – Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Hà – Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, qua 50 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn.
Về mặt lý luận đó là đột phá nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức lý luận về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về các mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với các lĩnh vực khác và về phát triển nhanh, bền vững… Chính những đổi mới này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Văn Hà, bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập cả về lý luận và thực tiễn. Trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tổng kết toàn diện những vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa những năm qua. Trong đó có nội dung phát triển kinh tế nhằm góp phần xây dựng luận cứ đề xuất các nội dung xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch HĐ LLTW đồng chủ trì Hội thảo
Hội thảo với mục tiêu làm rõ 7 vấn đề cơ bản như: Mô hình tăng trưởng kinh tế qua 50 năm thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, làm rõ được những thành công và hạn chế của mô hình cũ và bước đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển nền kinh tế thị trường; trong vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm rõ những thành công, hạn chế và vấn đề đặt ra hiện nay với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
TS. Cao Đức Phát – Nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội KHNN Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”
PGS.TS Bùi Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận “Khủng hoảng kinh tế – xã hội và những điều chỉnh trong chủ trương xây dựng, phát triển, thống nhất mô hình kinh tế giai đoạn 1975 – 1986”
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu và làm rõ 7 nội dung trọng tâm sau 50 năm thống nhất đất nước như: Vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế qua 50 năm thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực hiện phát triển nhanh, bền vững và phát triển kinh tế số. Vấn đề nhận thức lý luận và phát huy trong thực tiễn vai trò các thành phần và khu vực kinh tế.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đi sâu phân tích về vấn đề phân bổ nguồn lực và phân phối thành quả trong phát triển: nhận thức và thực tiễn, vấn đề đặt ra cũng như tác động của nó đến quá trình thúc đẩy tăng trưởng đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 50 năm qua. Vấn đề mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề phát triển kinh tế gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông