Hội thảo khoa học: “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện”

Hội thảo khoa học: “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện”

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Hội thảo khoa học: “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện”

Với mục đích hỗ trợ thị trường bảo hiểm Việt Nam trong việc định hình các kỹ năng và năng lực để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, sáng ngày 09/5/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện”.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF) có bà Prue Willsford – Tổng Giám đốc; ông Mark Silveira – Giám đốc Ngành; bà Trần Phương Thảo – Giám đốc Khu vực Châu Á; ông Anthony Baker – Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật, Allianz PartnersAPAC, diễn giả của Hội thảoông Steven Yuan – CEO Founder Công ty CNTT Yuandudu Bắc Kinh. Về phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội; ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội; bà Trịnh Tuyết Nga – Trưởng Ban Bảo hiểm Phi nhân thọ.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thị Chính – Trưởng khoa Bảo hiểm; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường; đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện ban nhân sự, đại diện ban bảo hiểm Xe cơ giới của 20 doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm: Tổng Công ty Bảo hiểm (CTBH) BIDV, Tổng CTBH Bưu điện, CTBH Tokio Marine Việt Nam, Tổng CTCP Tái BH Quốc gia Việt Nam, CTBH MSIG, CTCP Bảo hiểm Phú Hưng, Công ty BH kỹ thuật số OPES, Công ty BH Liên hiệp, Công ty BH Fubon, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không, CTBH Liberty, Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành, Tổng CTBH Agribank, Tổng CTBH Vietinbank, Tổng CTBH Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội, Công ty bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội, Tổng CTCP Bảo Minh.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt ở mức hai con số, đây là một thành tựu đáng khâm phục. Tuy vậy, với rất nhiều khó khăn đến từ bối cảnh chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về đào tạo nguồn lực và chuẩn bị kỹ năng sẵn sàng đón đầu những thay đổi lớn trong tương lai. Trong bối cảnh mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng phải thay đổi nhằm thích ứng. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ những xu hướng mới trong đào tạo, trong phương thức học tập, từ đó hình thành kỹ năng mới cho nhân lực bảo hiểm là hết sức ý nghĩa. 

Cùng với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF) – tổ chức đào tạo quốc tế hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương luôn đi đầu trong việc hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức và các doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm nâng cao năng lực và các chuẩn mực nghề nghiệp cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực Tài chính, Bảo hiểm, PGS. Bùi Huy Nhượng kỳ vọng những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo sẽ hỗ trợ thị trường bảo hiểm Việt Nam trong việc định hình các kỹ năng và năng lực để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới và đóng góp vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong tương lai.

Ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phát biểu

Bà Prue Willsford – Tổng Giám đốc Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF) chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe chia sẻ của bà Prue Willsford – Tổng Giám đốc ANZIIF về xu hướng mới của nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm sau đại dịch Covid19, sự cần thiết của việc đào tạo kỹ năng mới và cách học mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn về nhân lực cho tương lai của ngành bảo hiểm; cùng phần trình bày của ông Anthony Baker – Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật, Allianz Partners APAC về xu hướng bảo hiểm xe điện trên thế giới và hàm ý cho các thị trường mới phát triển như Việt Nam. Tại phần tọa đàm và thảo luận mở, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ các vấn đề về rủi ro, quản lý rủi ro của xe điện, sự khác biệt của bảo hiểm xe điện so với xe xăng; các vấn đề về định phí bảo hiểm xe điện và các vấn đề khác liên quan đến bảo hiểm xe điện mà các đại biểu quan tâm...

Ông Anthony Baker – Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật, Allianz Partners APAC chia sẻ tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

Trong khuôn khổ chương trình, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có buổi tiếp đón và làm việc với đoàn chuyên gia của Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF) trước giờ khai mạc Hội thảo. Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã cùng trao đổi, thảo luận về việc triển khai thực hiện MOU đã được ký kết trước đó, đồng thời gợi mở những chương trình hợp tác có tiềm năng mà hai bên có thể thực hiện trong thời gian tới.

Quang cảnh tại buổi trao đổi và làm việc

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm theo chuẩn quốc tế, tháng 7/2016, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ký Thỏa thuận hợp tác với Viện Bảo hiểm, Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF). Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị được ANZIIF ủy quyền thực hiện Chương trình đào tạo Diploma (chương trình dự bị đại học kéo dài 1 năm, tương đương chương trình năm nhất của chương trình cử nhân) về Bảo hiểm Phi nhân thọ. Từ đó đến nay, Khoa Bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã liên tục tuyển sinh, quản lý đào tạo theo phương thức truyền thống. Học viên học 04 môn bằng tiếng Việt, bao gồm: Quản lý đánh giá rủi ro các dòng sản phẩm bảo hiểm thương mại; Quản lý khiếu nại bồi thường các dòng sản phẩm bảo hiểm thương mại; Quản lý rủi ro; Tái bảo hiểm.

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và bà Prue Willsford – Tổng Giám đốc ANZIIF trao đổi tại buổi làm việc

Với bộ tài liệu học tập xuyên suốt chương trình học đều là tài liệu song ngữ Anh – Việt bản quyền của ANZIIF. Ở mỗi môn học, học viên phải hoàn thành 01 bài tập lớn và tham gia làm bài thi kết thúc môn học bằng tiếng Việt theo hình thức thi trực tuyến trên hệ thống của ANZIIF. Bài tập và bài thi đều do ANZIIF đánh giá. Sau khi hoàn thành 4 môn học này, học viên được cấp chứng chỉ DIPLOMA OF GENERAL INSURANCE, đồng thời học viên được công nhận là Hội viên Cao cấp Hội nghề nghiệp của ANZIIF – ANZIIF Senior Associate. Kết quả của sự hợp tác này, đó là từ tháng 7/2016 đến nay, có 154 cán bộ của 18 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, và 3 công ty giám định trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đã và đang tham gia khóa đào tạo; trong đó 120 cán bộ đã được ANZIIF cấp chứng chỉ Diploma về Bảo hiểm Phi nhân thọ và được công nhận là Hội viên Cao cấp Hội nghề nghiệp của ANZIIF.

Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ DIPLOMA của ANZIIF có ý nghĩa rất lớn, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viênkhoa Bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng. Bởi các môn học trong chương trình đã cung cấp cho người học những kiến thức chuẩn mực, chuyên sâu, hiện đại và cập nhật về bảo hiểm phi nhân thọ./.

Lãnh đạo hai đơn vị trao quà và chụp ảnh lưu niệm

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Đang tuyển sinh