Hội thảo: “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu”
17/03/2015 2015-03-17 0:00Hội thảo: “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu”
Hội thảo: “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu”
Trong khuôn khổ hợp tác về chương trình nâng cao nhận thức về doanh nghiệp xã hội, tăng cường hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về doanh nghiệp xã hội và xây dựng một mạng lưới các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mô hình và các giải pháp phát triển Doanh nghiệp xã hội trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học: “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu” trong hai ngày 16 và 17/03/2015 tại Phòng Hội thảo Quốc tế- Trường ĐH KTQD.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời quốc tế có: Ông Giles Lever – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; Bà Cherry Gough – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam; TS. Pathik Pathak – Giám đốc Chương trình Doanh nghiệp xã hội, Đại học Southampton; PGS.TS Chandra Yanto – Giảng viên Khoa Quản lý và Hành chính công – Đại học City, Hongkong. Về phía Trường Đại học Kinh tế quốc dân có: GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy; GS. TS Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng; PGS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Khoa, Viện, Phòng Ban chức năng trong Trường và các nhà khoa học của Trường. Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, giảng viên và các nhà quản lý đến từ cáctrường đại học, các tổ chức dân sự và các doanh nghiệp xã hội: Bà Đỗ Thúy Lan – Giám đốc Trung tâm Sao Mai; ThS. Nguyễn Quang Huy – Đại học Ngoại thương; PGS.TS Hoàng Văn Phụ – Đại học Thái Nguyên; TS. Phan Thị Thùy Trâm – Đại diện VSEN; Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP…
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy phát biểu khai mạc Hội thảo
Sự phát triển kinh tế và quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho các vấn đề xã hội như việc làm, thu nhập, bất bình đẳng, nghèo đói dành cho những đối tượng khó khăn trong xã hội (người tàn tật, dân tộc, vùng sâu, vùng xa…) trở nên ngày càng cấp bách, đòi hỏi phải có chính sách và giải pháp quyết liệt với sự tham gia của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, một mô hình doanh nghiệp mới – doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã được phát triển như một giải pháp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề này.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH KTQD đã khẳng định: “Khác với các mô hình doanh nghiệp truyền thống khác, DNXH lấy việc đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội làm mục tiêu chủ đạo. DNXH không chỉ là nơi tạo việc làm và tăng thu nhập mà còn là nơi thực hiện sứ mệnh giải quyết các vấn đề xã hội của cộng đồng”. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này không chỉ được đo lường bằng tiêu chí lợi nhuận mà còn phải tính đến các giá trị và lợi ích xã hội mà DNXH đóng góp cho cộng đồng. Bản chất của mô hình DNXH là phục vụ các lợi ích xã hội bằng lợi nhuận của chính doanh nghiệp, qua đó góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ông Giles Lever – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Giles Lever – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh rằng với vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội, DNXH đang trở thành trào lưu phát triển rất nhanh trên thế giới. Vương quốc Anh cũng là một nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển DNXH. Hiện nay có khoảng 62 nghìn DNXH đang hoạt động tại Vương quốc Anh và góp phần giải quyết những vấn đề xã hội và lợi ích cộng đồng ở Vương quốc Anh hàng năm.Với những thành công đó, Vương quốc Anh rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và góp phần thúc đẩy DNXH ở Việt Nam phát triển. Ông Giles Lever cũng khẳng định, các trường Đại học và các tổ chức nghiên cứu có vai trò quan trọng trong việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến về mô hình và kiến nghị chính sách với chính phủ nhằm phát triển DNXH ở Việt Nam. Do đó, việcTrường ĐH KTQD và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu” là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Thông qua Hội thảo, các bạn trẻ, nhà nghiên cứu, các tổ chức dân sự và các doanh nghiệp xã hội có thể nhìn nhận rõ về vai trò cũng như khả năng phát triển của DNXH ở Việt Nam, đồng thời đào tạo cho họ những kĩ năng, kiến thức cần thiết về DNXH. Bên cạnh đó, với các tham luận, ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, Ông Đại sứ hi vọng một mạng lưới các cá nhân, tổ chức sẽ được hình thành, góp phần thúc đẩy DNXH phát triển ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Đây là lần thứ 2 Hội thảo quốc tế về Doanh nghiệp xã hội được tổ chức ở Việt Nam với sự hợp tác giữa Hội đồng Anh và Trường Đại học Kinh tế quốc dân, điều này cho thấy ý nghĩa thiết thực, sự thành công cũng như những hiệu quả mà Hội thảo này mang lại. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, Việt Nam bây giờ đang có nền tảng vững chắc và cơ hội lớn để phát triển Doanh nghiệp xã hội, nhất là khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực”.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo
Trên thực tế, ở Việt Nam, DNXH đã tồn tại từ lâu dưới hình thức các hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh dành cho người khuyết tật. Cuối năm 2014, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã ghi nhận DNXH là một hình thức doanh nghiệp, sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận phục vụ các mục tiêu xã hội và môi trường. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 300 DNXH và hơn 165.000 tổ chức liên quan tới đến lĩnh vực xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận đang hoạt động ở Việt Nam. Các DNXH Việt Nam không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo việc làm cho những đối tượng khó khăn. Sự phát triển của các DNXH thời gian qua đã và đang làm thay đổi nhận thức về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Triết lý “kinh doanh là phụng sự xã hội” của các DNXH đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nhân, góp phần hình thành một đội ngũ doanh nhân xã hội – những người có ý thức và trách nhiệm xã hội nhiều hơn vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước.
Để khuyến khích thành lập và phát triển DNXH tại Việt Nam, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự ủng hộ của các quỹ từ thiện phi chính phủ…, thì có vai trò quan trọng của các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. Thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu về DNXH, các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu có thể đưa DNXH đến gần hơn với cộng đồng, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của DNXH trong nền kinh tế.
Với những vấn đề cấp thiết đặtra như trên, Hội thảo Khoa học “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Vai trò của trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu” đã thảo luận và đánh giá thực trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, các vấn đề đặt ra cho các tổ chức nghiên cứu và đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp xã hội và vai trò của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong phát triển doanh nghiệp xã hội trên thế giới và khu vực; đưa ra một số các kiến nghị nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, đồng thời chính thức khởi động mạng lưới các học giả về doanh nghiệp xã hội để chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 16, 17/03/2015, chia thành 3 phần:
Phần 1: Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: vai trò của Trường Đại học và các Tổ chức nghiên cứu
Phần 2: Thảo luận chuyên đề: chuyên đề “Lồng ghép DNXH vào trường Đại học” và chuyên đề “Hợp tác các bên trong việc phát triển DNXH”
Đặc biệt, phần 3: Diễn đàn chia sẻ: “Tinh thần kinh doanh và sáng tạo xã hội trong trường Đại học: kinh nghiệm quốc tế” diễn ra vào sáng 17/03/2015 sẽ hướng đến việc chia sẻ những phương pháp, quy trình, công cụ cụ thể nhằm lồng ghép thành công việc giảng dạy các nội dung liên quan đến DNXH trong các trường Đại học.
Một số hình ảnh các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi ý kiến trong Hội thảo:
Bài, ảnh: P.CTCT&QLSV