Hành trình trong lòng Châu Âu
31/08/2012 2012-08-31 0:00Hành trình trong lòng Châu Âu
Hành trình trong lòng Châu Âu
Hành trình trong lòng Châu Âu
Thủy Chi- Hoàng Lan
Viện Đào tạo quốc tế
Cuối cùng, chúng tôi cũng thực hiện được chuyến đi của mình theo như kế hoạch sau bao chờ đợi, có lúc đã rất thất vọng đến mức muốn từ bỏ…5 giờ chiều lấy xong visa, về nhà vội vàng đóng gói hành lý, 8g lên đường ra sân bay.
Chúng tôi, một trẻ – háo hức, chưa nhiều trải nghiệm và một- ít trẻ hơn nhưng sâu sắc và từng trải, đã làm thành một “cặp đôi hoàn chỉnh” cho chuyến đi này.
Sáng 26/6- máy bay hạ cánh xuống sân bay Gatwick, London chậm 1 tiếng. Hơi chủ quan, chúng tôi đã nghe lời khuyên của một sinh viên và chọn cách đi của sinh viên để vào trung tâm thành phố và đến nơi ở: mua vé tàu nhanh Express + chuyển tube (tàu điện ngầm) 2 lần + tha lôi hành lý + lên nhầm platform = 3 giờ đồng hồ gần như kiệt sức mới đến nơi. Kinh nghiệm xương máu rút ra là khi người ta không còn là sinh viên, nên bắt taxi để dành sức cho những việc khác. Bù lại khi ngồi trên tàu, chúng tôi đã có được nhữngấn tượng rất đẹp về London trong một buổi sáng nắng vàng, trời xanh, không khí dịu mát và không hề có mưa như dự báo thời tiết xem trước lúc đi.
Ấn tượng đọng lại nhiều nhất trong 2 ngày khám phá London là những công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng nhưng vẫn vô cùng tinh xảo, đặc biệt nhất là nhà thờ St Paul- một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới. Các cột đá bên ngoài của nhà thờ to đến mức mà chúng tôi cố gắng ngước nhìn mãi đến mỏi cả cổ và mắt mà vẫn có cảm giác không chạm được đỉnh. Đứng trước những công trình kiến trúc như vậy, chúng tôi đều có cảm giác con người nhỏ bé mà cũng thật vĩ đại- chính họ tạo ra công trình này, để rồi con người ở những thế hệ sau lại cảm thấy mình quá bé nhỏ khi chiêm ngưỡng nó.
| |
London cổ kính và hiện đại- Nhà thờ St Paul nhìn xa từ một hẻm nhỏ và cận cảnh |
Ngày tiếp theo, chúng tôi lên đường đi Bristol để thực hiện “sứ mệnh” chính của chuyến đi này- thăm và làm việc với University of the West of England (UWE). Như ngày đầu đặt chân đến London, Bristol cũng đón chào chúng tôi bằng một thời tiết mát mẻ dễ chịu và không mưa- khác hẳn với những gì các đồng nghiệp UWE đã cảnh báo vài ngày trước đó. Có vẻ như thời tiết đã và sẽ đồng hành và ủng hộ chúng tôi trong suốt cuộc hành trình. Điều này càng được khẳng định trong những ngày chúng tôi sang Bỉ và Pháp sau đó.
Chúng tôi đã đi thăm khuôn viên rộng lớn của UWE, thăm ký túc xá, căng-tin, khu văn phòng, khu tự học v.v. Tất cả đều rất rộng rãi, sạch sẽ và tiện nghi. Trường không gần trung tâm thành phố nhưng việc đi lại tương đối thuận tiện do trường có riêng hệ thống xe bus phục vụ sinh viên. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với hệ thống hỗ trợ sinh viên của UWE, từ việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm đến các hoạt động hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu. Các cán bộ giảng viên của UWE cũng chia sẻ rằng sinh viên của trường rất tích cực tham gia vào các lớp học này và tận dụng mọi sự hỗ trợ từ việc làm thế nào để “paraphrase”, trích dẫn (reference) hợp lệ, viết literature review v.v. (chúng tôi chợt thầm mong sinh viên của mình cũng có được thái độ tích cực “tận dụng” như thế đối với cáchoạt động và cơ hội học tập mà chúng tôi tạo ra cho các em tại chương trình IBD).
| |
Chúng tôi thật ấn tượng với khuôn viên rộng lớn của UWE |
Nhìn lại năm học đầu tiên của Chương trình hợp tác NEU-UWE, hai bên đều nhất trí ghi nhận những nỗ lực rất lớn từ cả hai trường trong việc giúp sinh viên làm quen với một chương trình có nội dung khó và đòi hỏi khá khắt khe. Kết quả học tập của các sinh viên NEU cho thấy các em không hề thua kém các bạn đồng môn tại UK, tuy nhiên các em vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là hoàn thiện thêm các kỹ năng viết, kỹ năng phê phán tích cực (critical thinking), kỹ năng nghiên cứu và phân tích- là những kỹ năng vô cùng cần thiết đối với sinh viên học ngành Kinh tế. Các giảng viên và đội ngũ quản lý của UWE cũng đặc biệt nhấn mạnh về độ khó của chương trình học trong nămhọc tiếp theo, trong đó các module đều có đòi hỏi khắt khe hơn và nội dung kiến thức cũng sâu hơn rất nhiều so với năm đầu tiên. Nhân đây, chúng tôi cũng mong muốn gửi đến các em sinh viên lớp UWE đang chuẩn bị bước vào năm thứ 2 chuyên ngành lời nhắn nhủ về một năm học đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị đang chờ đợi các em, mong các em cố gắng tập trung và nỗ lực nhiều hơn nữa đề hấp thu được nhiều kiến thức nhất có thể.
Tranh thủ vài tiếng đợi tàu trở về London, chúng tôi đã có một quyết định sáng suốt ghé thăm Bath- thành phố cách Bristol khoảng 20 km về phía đông nam. Thật khó có thể diễn tả thành lời vẻ đẹp cổ kính, tinh tế và hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên của thành phố này. Dường như mọi viên gạch, mọi hàng cây, mọi căn nhà đều được chăm sóc kỹ lưỡng, và được sắp xếp, bố trí sao cho hài hòa nhất với khung cảnh xung quanh. Chúng tôi thực sự đã có những phút giây tuyệt vời tận hưởng vẻ đẹp như trong truyện cổ tích thành phố, tự nhủ không thể không “quảng cáo” về Bath cho bất cứ ai có ý định đến nước Anh.
| |
Vẻ đẹp tuyệt vời như trong truyện cổ tích của Bath làm chúng tôi “ngây ngất” |
Rời Anh quốc, chúng tôi hướng đến “the heart of Europe”- Brussells, thủ đô của Vương quốc Bỉ. Trên chuyến tàu tốc hành qua eo biển Manche, chúng tôi mới có dịp tĩnh tâm lại một chút để chiêm nghiệm về nước Anh cổ kính- một nơi mà sự giàu có và thịnh vượng- biểu hiện qua các công trình kiến trúc tuyệt đẹp và tinh tế- dường như đã trở thành một điều “tất nhiên phải thế” hàng bao nhiêu thế kỷ nay rồi. Chúng tôi cũng hiểu thêm cái gọi là “Phớt Ăng-lê”- một nét đặc trưng của người Anh đã được nói đến rất nhiều qua sách vở, thông qua những quan sát về cách ứng xử của người Anh với nhau và với người ngoại quốc.
Brussells chào đón chúng tôi cũng bằng một thời tiết nắng đẹp và sự tiếp đón nồng ấm của các đồng nghiệp tại Solvay Brussels School (ULB). Chúng tôi đã xác định trước là sẽ khó gặp được đối tác do đến vào cuối tuần, nhưng thật may mắn và bất ngờ, chúng tôi được mời đến trường đúng dịp Lễ tốt nghiệp thạc sỹ của SBS, được thưởng thức một bữa trưa buffet thân mật với tất cả các đồng nghiệp tham gia phụ trách chươngtrình hợp tác và với các học viên tốt nghiệp của họ. Bao muộn phiền về những bữa ăn “đau khổ” tại Anh quốc đã nhanh chóng tan biến nhờ hương vị tinh tế, dễ chịu của bữa buffet nhẹ nhàng tại SBS, mà cũng có thể có cả sự đóng góp của thái độ thân thiện, ấm áp mà các bạn Bỉ dành cho chúng tôi. Tại thành phố trái tim của Châu Âu này, chúng tôi đã may mắn có được một tour guide địa phương chính gốc không thể có ai tuyệt vời hơn- Daniel, người thầy quen thuộc của bao sinh viên IBD. Sự đồng hành của Daniel đã làm cho thời gian ở Brussels trở thành những thời khắc tận hưởng và dễ chịu nhất trong hành trình của chúng tôi.
Chúng tôi đã may mắn có được tour guide là dân địa phương chính gốc- Daniel
Chúng tôi rời Châu Âu lên đường về nước từ Kinh đô Ánh sáng Pari. Hành trình trong lòng Châu Âu tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã có cơ hội được ghé thăm 3 thủ đô lớn nhất của châu lục, cũng là ba thành phố nổi tiếng của thế giới, giúp chúng tôi có được cái nhìn tương đối bao quát về lục địa cổ kính này.
Chứng kiến tận mắt, chúng tôi mới cảm nhận được sâu sắc những tinh hoa, sự phát triển và giàucó của Châu Âu cách đây hàng bao thế kỷ, và điều này đã đặt những nền tảng quan trọng cho sự phát triển cả về kinh tế- chính trị- xã hội đối với các nước của châu lục cho đến mãi mãi về sau. Chúng tôi cũng không biết bao lần trầm trồ thán phục trước sự tinh xảo tuyệt vời của các nhà thờ Thiên chúa, tự nhận ra rằng thợ thủ công của họ còn khéo tay hơn mình rất nhiều. Cũng phải công nhận rằng, chính những đế chế vĩ đại đã tạo ra những công trình vĩ đại, cho dù có thể tàn nhẫn một chút, nhưng trên hết để lại cho hậu thế những công trình chứng tỏ khả năng vô song của con người. Có lẽ cũng có bao người cùng chia sẻ cảm nhận này của chúng tôi, bỗng nhiên chợt nghĩ đến các em sinh viên của mình, lòng không khỏi băn khoăn khi các em sang nơi đây học tập, được tận mắt chiêm ngưỡng những vẻ đẹp này, các em có thấy bị thôi thúc cần nghĩ cao, nghĩ xa hơn nữa, có so sánh với đất nước mình để thấy rằng, bằng nhiều cách khác nhau, cần phải làm đẹp cho đất nước mình nhiều hơn nữa…?
| |
Châu Âu đặc trưng với những công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng… |
| Có thể nói, “cặp đôi hoàn chỉnh” chúng tôi trong chuyến đi này đã có được cả 3 yếu tố Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa. Có phải vì thế mà Châu Âu trở nên đẹp hơn trong mắt chúng tôi? Đối với tôi, cho dù hiện tại Châu Âu đang trải qua những thời khắc đầy khó khăn, cho dù bị coi là già cỗi, trì trệ, tôi vẫn tin rằng Châu Âu có sức mạnh của riêng mình- một sức mạnh vững chắc và một nền văn minh được tích tụ từ bao đời nay- để vượt qua mọi cuộc khủng hoảng, và vẫn mãi mãi lưu giữ được những vẻ đẹp bất tận của con người và dành cho con người. |
…nhưng vẫn vô cùng tinh xảo, cầu kỳ