Giới thiệu Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Giới thiệu Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Thông Tin Kinh Tế

Giới thiệu Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Bối cảnh

Trong năm 2023, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn: lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương (NHTW) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga-Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp, trong khi xung đột Israel-Hamas ngày càng căng thẳng.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ tăng 3,74% so với năm trước (thấp so với mức tăng trưởng trung bình các năm 2015-2019 là 8,6%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) tăng 3,62% so với năm trước và cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Lượng giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục thấp do tâm lý nhà đầu tư yếu và chờ đợi, dẫn đến thanh khoản chung trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng lượng giao dịch 4 quý năm 2023 đạt khoảng 18.600 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chỉ bằng 17% so với năm 2018, thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm, và tăng 21,2% so với năm trước. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%). Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm. Số liệu của năm 2023 cho thấy tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam. Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% – lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.

Tính tới cuối năm 2023, tín dụng nền kinh tế tăng 13,5% (năm trước tăng 14,5%) trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 14%. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Về khả năng tiếp cận vốn, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như doanh nghiệp BĐS. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn hai năm 2022-2023, mặc dù đã qua hết thời hạn nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.

Những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2023. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Vì vậy chủ đề của Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023, bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, sẽ lựa chọn chủ đề về các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng chotăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức). Báo cáo cũng đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.

Từ mục tiêu tổng quát trên, Báo cáo hướng đến những mục tiêu cụ thể sau:

  • Làm rõ bối cảnh kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023;
  • Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế;
  • Đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu), những kết quả đạt được, những hạn chế tồntại và nguyên nhân. Đánh giá đóng góp của các thành tố này đến tăng trưởng kinh tế.
  • Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2024; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024; từ đó khuyến nghị chính sách thúc đẩy tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng một cách bền vững trong bối cảnh mới.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, trong đó tập trung vào tổng cầu và các thành tố của tổng cầu.

Phạm vi thời gian: nghiên cứu đánh giá tổng quan chung kinh tế Việt Nam là năm 2023. Phần đánh giá tác động của thành tố tổng cầu đến tăng trưởng áp dụng giai đoạn giai đoạn 2011-2022 để nghiên cứu định lượng đánh giá tác động.

 Phạm vi nội dung: phần tổng quan kinh tế chung sẽ tập trung vào khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách). Phần đánh giá các thành tố tổng cầu sẽ nghiên cứu đầu tư (bao gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài), tiêu dùng (tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng chính phủ) và chênh lệch xuất nhập khẩu.

Phương pháp nghiên cứu và số liệu

Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu, Báo cáo sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính, thống kê, so sánh, phân tích và tổng hợp.

Thông tin và dữ liệu được chiết xuất chủ yếu từ các nguồn dữ liệu chính thứccủa Việt Namnhư: Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ Tài chính (BTC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA),…và các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thếgiới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…. Báo cáo cũng sử dụng d liệu kinh tế vĩ mô – tài chính – chứng khoán Fiingroup, dữ liệu từ các các định chế tài chínhngân hàng.

Cấu trúc của báo cáo

Ngoài phần Giới thiệu, báo cáo bao gồm phần Tóm tắt báo cáo và phần Báo cáo chính. Tóm tắt Báo cáo sẽ tóm tắt lại toàn bộ báo cáo với cách viết không mang tính kỹ thuật, thân thiện với người đọc.

Báo cáo chính được cấu trúc thành ba phần. Vì là một báo cáo đánh giá kinh tế thường niên, nên Phần I (Kinh tế Việt Nam năm 2023) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023. Phần này bao gồm các nội dung sau: i) diễn biến kinh tế thế giới năm 2023; ii) tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).

Phần II (Thực trạng tổng cầu và vai trò của tổng cầu trong tăng trưởng) có mục tiêu đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố của tổng cầu cũng như tác động của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng. Phần này bao gồm: i) tổng quan tổng cầu Việt Nam; ii) thực trạng và vai trò của thành tố đầu tư; iii) thực trạng và vai trò của thành tố tiêu dùng; iv) thực trạng và vai trò của thành tố chênh lệch xuất nhập khẩu.

Phần III (Triển vọng Kinh tế năm 2024và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần I và Phần II, đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy các thành tố của tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

Chủ biên

GS.TS. Phạm Hồng Chương nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện là Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là kinh tế du lịch, chính sách công nghiệp và khoa học quản lý.

GS.TS. Tô Trung Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Ông từng là thành viên nhóm tư vấn chính sách (PAG) cho Bộ Tài chính và Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Hiện tại, ông là Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy tại Khoa Kinh tế học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích kinh tế vĩ mô, chuyển đổi số và kinh tế số, ổn định tài chính, phân tích hoạt động doanh nghiệp.

Các tác giả khác (theo thứ tự ABC)

ThS. Nguyễn Ngọc Anh nhận bằng Thạc sĩ Tài chính tại Đại học Macquarie, Úc. Hiện bà đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là phân tích tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nhận bằng tiến sỹ Kinh tế tài chính tại Đại học Paris 1 – Pantheon Sorbonne Cộng hòa Pháp. Hiện ông là phó Trưởng Bộ môn phân tích chính sách tài chính, giảng dạy tại Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính. Ông từng tham gia tư vấn cho các Dự án của Ủy ban kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và các tổ chức quốc tế. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phân tích chính sách kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp nhà nước…

PGS.TS. Lê Thanh Hà nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS). Hiện tại, ông nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Kinh tế học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tài chính năng lượng, tài chính xanh, ổn định tài chính, chuyển đổi số, kinh tế quốc tế, phân tích hoạt động doanh nghiệp.

PGS.TS. Phạm Văn Hùng nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Macquarie, Australia. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội. Hiện tại, ông là Trưởng Khoa Đầu tư và nghiên cứu giảng dạy tại Khoa Đầu tư của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là kinh tế đầu tư, quản lý dự án, đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường vốn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Phó Trưởng khoa của Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là phát triển bền vững, bất bình đẳng, tài chính công và tài chính đô thị.

TS. Trương Thị Hoài Linh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên chính của Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là quản trị ngân hàng thương mại, kế toán ngân hàng và tài chính vi mô.

TS. Phạm Xuân Nam nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tăng trưởng doanh nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng.

ThS. Trần Anh Ngọc nhận bằng Thạc sĩ Khoa học về Kế toán và Quản trị tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh. Ông hiện đang là NCS về tài chính tại đại học Lincoln Vương quốc Anh. Ông cũng đang giảng dạy tại Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là lý thuyết về tài chính tiền tệ, phân tích tài chính doanh nghiệp, tài chính toàn diện.

ThS. Lưu Thị Phương nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế quốc tế và phát triển tại Đại học Quốc gia Úc (ANU). Hiện bà đang công tác tại Khoa Kinh tế học, TrườngĐại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là các chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tài khóa, tiền tệ) và kinh tế học ứng dụng.

 PGS.TS. Lê Thanh Tâm nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Trưởng Bộ môn NHTM, Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Tài chính toàn diện (UNSGSA), tổ chức. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là quản trị và giám sát ngân hàng, tài chính vi mô, tài chính toàn diện, fintech.

TS. Nguyễn Quỳnh Trang nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà hiện là nghiên cứu viên chính, Ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, các vấn đề kinh tế vĩ mô, năng suất, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.

TS. Bùi Trinh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Hiện ông đang công tác tại Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam (VIDERI). Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích bảng IO.

TS. Nguyễn Thanh Tùng nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Hitotsubashi, Nhật Bản. Hiện tại, ông là giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông bao gồm kinh tế lao động, kinh tế phát triển, tổ chức ngành và kinh tế học vi mô ứng dụng.

TS. Vũ Thị Thúy Vân nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên Bộ môn Thị trường chứng khoán, Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là rủi ro hệ thống trên thị trường chứng khoán, quản trị công ty niêm yết.

Đang tuyển sinh