Chuyến du xuân đầu năm của đoàn viên công đoàn trường về chốn tâm linh Hà Tây cũ
15/02/2012 2012-02-15 0:00Chuyến du xuân đầu năm của đoàn viên công đoàn trường về chốn tâm linh Hà Tây cũ
Chuyến du xuân đầu năm của đoàn viên công đoàn trường về chốn tâm linh Hà Tây cũ
Một nét văn hóa Việt mà từ Nam ra Bắc trên dải đất hình chữ S nơi nào cũng có, đó chính là đi lễ chùa đầu năm. Đi chùa đầu năm không chỉ đơn giản là vãn cảnh chùa mà trong tâm niệm ai cũng cầu an, cầu phúc, cầu danh, cầu tài, cầu lộc, mong những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với mình trong suốt năm. Cuộc du hành về với tâm linh cũng là chuyến đi để mỗi người tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, sẵn sàng một năm mới thành công và sống tích cực hơn.
Người Việt trong đó có các đoàn viên công đoàn của Đại học Kinh tế quốc dân tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh. Ngày 12 tháng 2 năm 2012 vừa qua, Công đoàn trường do PGS.TS. Đào Thị PHương Liên làm trưởng đoàn đã tổ chức chuyến du xuân về Hà Tây cũ nơi có nhiều danh lam thắng cảnh và chùa thiêng. Đoàn gồm 60 đoàn viên đại diện cho các tổ công đoàn trong toàn trường tham gia thật nhiệt tình và vui vẻ. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, trong tiết trời se se lạnh, lất phất giọt mưa xuân, mọi người như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình của chuyến du xuân bắt đầu là Chùa Mía- một ngôi chùa cổ nằm trong quần thể văn hóa Đường Lâm. Chùa Mía (Sùng Nghiêm tự): Nằm ngay một ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền, thờ bà chúa Mía, trong chùa có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, không gian thanh tịnh và êm ả. Người phương xa đến đây dễ nhận ra nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường ấy…
Mới có 8 giờ sáng nhưng cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Chúng tôi đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.
Sau khi thăm Đền Và chúng tôi đi tiếp qua cầu Nguyệt Tiên, theo đường núi là quần thể di tích tự ngàn xưa với những am, chùa, hang đá…vốn có đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng trầm trồ trước vẻ đẹp ngôi chùa Thầy. Để hiểu rõ hơn về lịch sử và ý nghĩa của Chùa Thầy đoàn đã mời hướng dẫn viên chỉ dẫn và kể về những bí ẩn của ngôi chùa này trongmột không khí trang nghiêm nhưng vẫn rất xúc động.
Đến Hà Tây cũ mà không đến Chùa Tây Phương thì quả là một điều thiếu sót. Bởi lẽ chùa Tây Phương, một danh lam tiêu biểu vào loại nhất về mặt điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Chùa nằm trên núi Câu Lậu, cao chừng 50m, thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thủ đô khoảng 30km về phía tây. Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc tự, giống như bao ngôi chùa khác cầu mong mọi sự tốt lành. Tây Phương không có cảnh quan đẹp như chùa Hương, chùa Thầy nhưng là nơi lưu giữ một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Nổi bật trong đó là tượng các vị La Hán được ví là tượng "người" nhất, với mỗi vị một vẻ biểu lộ niềm vui, nỗi buồn, sự ưu tư hoặc trạng thái thanh thản của tâm hồn. Tây Phương núi thấp nên chùa trên đỉnh nhưng không xa dân, thoát tục mà vẫn gần đời, đảm bảo sinh hoạt đời thường của các chư tăng và là chỗ dựa tinh thần của các Phật tử.
Ngôi chùa cuối cùng trong hành trình của đoàn là Chùa Trăm Gian cũng là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia.
Chùa Trăm Gian còn có tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm, chùa Tiên Lữ, chùa Núi, vì ở xóm Núi, thôn Tiên Lữ thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ. Chùa Trăm Gian là một ngôi chùa theo kiểu tiền phật hậu thần ngoài việc thờ phật trong chùa còn đặt khám thờ Đức thánh Bối Nguyễn Bình An thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân tộc với phát triển của lịch sử. Mở hội ở chùa là hình thức tổ chức sớm hơn kiểu tổ chức ở đình. Do vậy, lễ hội chùa Trăm Gian còn vọng lại nhiều âm thanh và màu sắc điển hình của một quá khứ xa xưa với những nét hùng tráng mang tính nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Hành trình sau 5 ngôi chùa đã khiến mọi người thấm mệt và muốn nghỉ ngơi , bữa cơm gia đình được đ/c Cấn Anh Tuấn – UVBCDCĐ- TRưởng ban đời sống chuẩn bị tươm tất ngon lành trong một nhà hàng đã khiến bao mệt nhọc của 60 con người tan đi nhanh chóng. Đúng 15 giờ chiều đoàn lên đường về HN, tuy nhiên trên đường về chúng tôi vẫn kịp ghé thăm Đình Bia Bà (Đình La Khê) là ngôi đình ở làng La Khê, PhườngLa Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thờ thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa. Kiến trúc theo phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII-XVIII. Năm 1997 đã trùng tu nhà đại bái và năm 2002 tu sữa trung cung và hậu cung đình. Trong đình còn lưu giữ được 28 sắc phong. Đình Bia Bà là di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 29/1/1990. Nơi đây được coi là linh thiêng nên hằng ngày có nhiều khách thập phương đến lễ cầu lộc.
Chuyến du xuân về chốn tâm linh của đoàn viên công đoàn Trường đã thành công tốt đẹp. Đây chính là dịp để mọi người được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, cội nguồn dân tộc, phong tục tập quán các địa phương, đồng thời tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các thành viên trong ngôi nhà KINH TẾ QUỐC DÂN. Một Không khí vui tươi thoải mái ngập tràn trên các gương mặt của mọi người trong đoàn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cán bộ để chuẩn bị bước vào một năm mới thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của Trường đã giao cho.
TH.S. Nguyễn Thị khánh