Cao học Việt – Bỉ: Tọa đàm “Sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực ngân hàng: Xu thế, thách thức và giải pháp” được tổ chức thành công

Cao học Việt – Bỉ: Tọa đàm “Sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực ngân hàng: Xu thế, thách thức và giải pháp” được tổ chức thành công

Bản tin NEU

Cao học Việt – Bỉ: Tọa đàm “Sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực ngân hàng: Xu thế, thách thức và giải pháp” được tổ chức thành công

Ngày 1/3/2012, tại khách sạn Melia, Chương trình Cao học Việt-Bỉ, Trường ĐHKTQD đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực ngân hàng: Xu thế, thách thức và giải phápvới diễn giả là GS. Yassine Boudghene, chuyên gia tài chính của Ủy ban Châu Âu, giảng viên chương trình Cao học Việt – Bỉ và trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels thuộc ĐHTH Tự do Bruxelles. Hơn 200 cán bộ, chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính – ngân hàng và các trường đại học đã đến tham dự buổi tọa đàm. Các đài truyền hình InfoTV, VITV, VTC10 và đông đảo phóng viên các báo (Vietnamnet, VnExpress, CafeF, VNEconomy, VIR…) cũng đến đưa tin về hội thảo.
Sáp nhập và mua lại (Merger & Acquisition-M&A) đang thu hút  nhiều sự quan tâm và dần trở thành xu thế tất yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam. M&A được coi là một công cụ hữu ích cộng hưởng thế mạnh của các doanh nghiệp  để phát triển, mở rộng thị trường cũng như đa dạng hóa ngành nghề của nhiều chủ thể kinh doanh. Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu của mình, GS. Boudghene đã đưa ra một cái nhìn bao quát về những hoạt động cần có cho một thương vụ M&A thành công.



GS. Yassine Boudghene trong buổi tọa đàm


Trong buổi tọa đàm, G.S Boudghene đã giải thích cô đọng về bản chất của một quá trình M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là một quá trình mua bán, mà người bán và người mua có thể là các ngân hàng trong và ngoài nước, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ hay các tổ chức tài chính tư nhân. Theo G.S Boudghene, M&A thường được diễn ra qua ba hình thức điển hình:
– Hình thức đấu giá mở rộng (broad auction): Mọi đối tượng người mua đều có thể tham gia.
– Hình thức đấu giá chọn lọc (targeted auction): Chỉ có một số người mua được lựa chọn và được mời để tham gia.
-Hình thức đàm phán giữa những đối tác độc quyền (Negotiation with exclusive partner): Mộthình thức tốn nhiều thời gian hơn hai hình thức trên nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Theo quan điểm của giáo sư Boudghene, quá trình M&A diễn ra qua nhiều bước, trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát, thẩm định, đánh giá và phân tích hoạt động kinh doanh của đối tượng cần được sáp nhập- thường được gọi là Due Diligence. Hơn 10,000 tài liệu được tham khảo, hơn 100 cuộc meeting và hơn 40 yêu cầu thông tin cũng như câu hỏi là những con số thực tế mà giáo sư Boudghene đã đưa ra để khẳng định tầm quan trọng của quá trình Due Diligence trong một thương vụ M&A điển hình. Kết quả của quá trình này sẽ là cơ sở cho mọi tính toán và đánh giá cho sự thành công của một thương vụ M&A.



Khán giả đặt câu hỏi thảo luận


Nói về xu thế của các hoạt động M&A đã và đang diễn ra trên thế giới, G.S Yassine Boudghene cho rằng năm 2011 là một năm không thành công cho M&A, và ưu thế trên thị trường nghiêng về phía người mua. Thực tế thống kê cho thấy các hoạt động này có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là ở  các khu vực thuộc Châu Mỹ và Châu Á. Ông nhận định rằng, cùng với sự giảm sút của các hoạt động M&A là sự gia tăng khoảng cách về kỳ vọng giữa người bán và người mua. Ngày càng có nhiều tổ chức tài chính tư nhân tham gia vào  hoạt động M&A. Thời gian cho một thương vụ M&A kéo dài hơn với quy mô nhỏ hơn. Trong khi người bán hay đối tượng cần được sáp nhập muốn có những thương vụ giá trị lớn trong khoảng thời gian ngắn thì đa số người mua thận trọng hơn và dành nhiều thời gian hơn trong việc đánh giá một thương vụ M&A.
Bên cạnh đó, giáo sư cũng đề cập đến một số nhân tố chính có thể tác động đến hoạt động M&A trong năm 2012. Điển hình như sự thay đổi các quy định trong việc đầu tư nguồn vốn, cân bằng dòng tiền và kiểm soát chi phí sẽ là những nhân tố chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động M&A trong một quốc gia. Hơn nữa, những yêu cầu trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng Châu Âu cũng sẽ là một nhân tố chính ảnh hưởng đến thị trường thế giới.Một vấn đề cũng thu hút sự chú ý của người nghe là các yếu tố góp phần làm nên thành công của M&A, trong đó GS Boudghene đánh giá cao vai trò quan trọng của yếu tố con người. Việc xây dựng một đội ngũ có kiến thức chuyên môn cao và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tài chính sẽ là nhân tố nòng cốt cho mọi tổ chức, công ty để có thể đàm phán một thương vụ M&A thành công.
Cuối cùng, giáo sư Boudghene đề cập đến xu  hướng chung của hoạt động M&A ở Việt Nam, trong đó đặt ra hai khuynh hướng: sáp nhập hoặc mua lại giữa ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ và giữa các ngân hàng nhỏ với nhau. Đây là nội dung kết thúc phần thuyết trình chính thức, nhưng đã gợi mở rất nhiều câu hỏi liên quan từ phía khán giả.



Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi khi nói về tình hình Việt Nam


Buổi tọa đàm càng trở nên sôi nổi hơn trong phần thảo luận sau đó. Khán giả đã đặt rất nhiều câu hỏi về thực tế của Việt Nam. Có những câu hỏi tuy không nêu cụ thể  song liên quan đến những vấn đề gây tranh cãi trong những thương vụ M&A gần đây của các ngân hàng Việt Nam. GS. Yassine Boudghene đã trả lời những câu hỏi một cách thận trọng, nhưng cũng thể hiện quan điểm rằng chỉ M&A thì không thể là “cứu cánh” với những ngân hàng yếu, và những thương vụ M&A do tác động chính trị thì thường khó thành công về mặt kinh doanh sau này.
GS. Yassine Boudghene là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels thuộc ĐHTH Tự do Bruxelles, Bỉ. Ông là chuyên gia tư vấn tài chính của Ủy ban Châu Âu, chuyên tư vấn và nghiên cứu về phát hành, cho vay, chứng khoán, tín dụng doanh nghiệp, thị trường tiền tệ và hối đoái, xuất khẩu và tài chính dự án. Hiện GS. Yassine Boudghene đang sang Việt Nam để giảng dạy cho chươngtrình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Việt – Bỉ tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
                                                                                   

Viện Đào tạo Quốc tế

Đang tuyển sinh