Ban kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo trường đại học KTQD- Một cơ hội mới cho phát triển các hoạt động NCKH của trường đại học KTQD
16/03/2013 2013-03-16 0:00Ban kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo trường đại học KTQD- Một cơ hội mới cho phát triển các hoạt động NCKH của trường đại học KTQD
Ban kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo trường đại học KTQD- Một cơ hội mới cho phát triển các hoạt động NCKH của trường đại học KTQD
Sáng ngày 13 /3/2012, tại phòng họp đa năng G2-N10, Ban lãnh đạoTrường đại học KTQD tổ chức buổi tiếp đoàn cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương về thăm và làm việc. Đoàn do GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Trung ương dẫn đầu, đi cùng còn có đ/c Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Ban Kinh tế Trung ương ( Ban KTTW) và một số cán bộ thành viên.Về phía trường có GS.TS Nguyễn Văn Nam- Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng KHĐT cùng các đồng chí Phó Hiệu trưởng, GS.TS nguyễn Đình Hương ( nguyên Hiệu trưởng); các thành viên Hội đồng KH-ĐT; Lãnh đạo Công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội, Trưởng phó các Phòng ban, Khoa, Viện trực thuộc và đại diện các bộ môn trong toàn trường.
GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban KTTW và GS.TS Nguyễn Văn Nam- Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy ĐHKTQD tại buổi làm việc
Phát biểu chào mừng GS.TS Vương Đình Huệ và đoàn cán bộ Ban KTTW, GS.TS Nguyễn Văn Nam đã thông báo với Đoàn những kết quả và thành tích của Nhà trường trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả nổi bật về thành tích hoạt động khoa học, những đổi mới của Nhà trường về phát triển nguồn lực, biên soạn và xuất bản các giáo trình trọng điểm, đổi mới nội dung chương trình và nâng cao chất lượng các hệ đào tạo. Phát biểu của GS. Nguyễn Văn Nam nêu rõ: Trường đại học KTQD đang có những bước đi chiến lược về định hướng để trở thành đại học định hướng nghiên cứu, nhưng phấn đấu đến năm 2020 mới có thể bước đầu là trường đại học định hướng nghiên cứu. Để đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực của trường, còn cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá phân loại các trường đại học, hỗ trợ thêm các điều kiện để trường phát triển. Hiện trường đang là Chủ tịch mạng lưới trên 40 trường đại học kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, trường cung cấp hệ thống giáo trình cho mạng lưới và có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, Bộ ngành. Về nhân lực hiện nay trường có 1254 cán bộ, giáo viên, CNV; có đội ngũ GS, PGS đông đảo ( trong đó có 19 GS) nhiều hơn tổng số GS, PGS của các trường khối kinh tế, quản lý và QTKD; có 141 TS, trong đó 94 TS được đào tạo ở nước ngoài; 477 Thạc sỹ, trong đó có 185 Ths được đào tạo ở nước ngoài. Độ tuổi của đội ngũ cán bộ giảng viên của trường đã được trẻ hóa rất nhiều, từ 35 tuổi trở lại chiếm khoảng 41%, trình độ giảng viên từ Thạc sỹ trở lên đạt gần 96% trên tổng số giảng viên toàn trường. Trướcđây Trường đã chủ trì nhiều chương trình cấp Nhà nước, hiện nay trường đang chủ trì chương trình KX01-11-15 về kinh tế xã hội, cùng nhiều đề tài độc lập cấp Nhà nước khác. Những thành tích đáng tự hào trong quá trình phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới, trường đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới (2000), Hai Huân chương Hồ Chí Minh (2001và 2011); Các bộ huân chương độc lập, Huân chương lao động,vv…
GS.TS Nguyễn Văn Nam- Hiệu trưởng trao tặng GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban KTTW bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đánh giá tóm tắt về các thành tích đạt được, GS Nguyên Văn Nam khẳng định: “Hơn nửa thế kỷ qua các thế hệ cán bộ, giáo viên, CNV luôn kết nối và phát huy truyền thống tốt đẹp cùng đoàn kết một lòng xây dựng Nhà trường. Thành tựu đạt được hôm nay là kết tinh của tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của tập thể sư phạm Nhà trường qua nhiều thế hệ cùng đồng tâm hiệp lực tạo nên và cũng là thành quả và sự quan tâm giúp đỡ sát sao của Đảng và Nhà nước đã giành cho Nhà trường trong suốt thời gian qua.Với tinh thần đoàn kết, hội nhập và phát triển, tập thểsư phạm Nhà trường quyết tâm giữ vững và phát huy thành tích đạt được, đưa trường đại học KTQD lên tầm cao mới”.
Với niềm phấn khởi, GS. Nguyễn Văn Nam bày tỏ: Nhà trường rất vinh dự được đoàn đại biểu Ban kinh tế Trung ương về làm việc và có buổi tiếp xúc với cán bộ giảng, viên Nhà trường. Đây là một cơ hội để Ban kinh tế Trung ương hiểu biết về trường đại học KTQD, đồng thời để Nhà trường cũng hiểu thêm những nhiệm vụ quan trọng của Ban KTTW đã được Đảng giao phó, qua đó để hai bên có có sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ trong lĩnh vực NCKH góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết nền kinh tế- xã hội của đất nước đặt ra, mong muốn Ban kinh tế Trung ương góp phần thúc đẩy Nhà trường trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu trong tương lai. Thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường, GS Nam chân thành cảm ơn GS Vương Đình Huệ và các cán bộ trong đoàn đã đến thăm và làm việc với trường.
GS.TS Trần Thọ Đạt- Phó Hiệu trường báo cáo trình bày 4 vấn đề: Tổng quan về năng lực hoạt động khoa học trường; Một số thành tựu chủ yếu trong hoạt động khoa học của trường trong 5 năm gân đây; định hướng hoạt động khoa học của Nhà trường; sự gắn kết giữ hoạt động khoa học với hoạt động đào tạo; cuối cùng là đề xuất phối hợp nghiên cứu của trường với Ban KTTW. Về đề nghị phối hợp: Căn cứ vào năng lực và chuyên môn của trường, đề xuất Ban KTTW có thể đặt hàng và phối hợp với trường một số đề tài nghiên cứu theo nhiêm vụ và chức năng của Ban KTTW với những hướng nghiên cứu có tính cấp thiết như vấn đề an sinh xã hội, vấn đề kinh tế môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu trên giác độ kinh tế,vv…; đề xuất Ban KTTW phối hợp với Trường tổ chức Hội thảo quốc gia về những vấn đề kinh tế; Các nhà khoa học của trường có điều kiện đóng góp trực tiếp vào các dự thảo, báo cáo văn kiện, các nghiên cứu của Ban KTTW; cuối cùng Trường sẵn sàng cử các cán bộ khoa học có chuyên môn phù hợp và chất lượng nhất tham gia cộng tác với Ban KTTW để giải quyết các vấn đề theo nhiệm vụ đặt ra.
GS Vương Đình Huệ, Trưởng ban KTTW phát biểu bày tỏ vui mừng được đến làm việc với Nhà trường; GS thông báo với Trường về những nhiệm vụ được BCH Trung ương Đảng giao phó. Với nhiệm vụ được giao và nhiều vấn đề lớn cần được giải quyết trong thời gian tới, Ban KTTW cần có đội ngũ chuyên gia bên ngoài tham gia góp ý; mong muốn có những nghiên cứu và đồng tổ chức hội thảo với nhiều cơ quan và trường đại học, trong đó có đại học KTQD về những vấn đề cấp thiết như đánh giá sự phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong một số năm qua, hướng giải pháp cho thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm, cũng các vấn đề cần thiết khác. GS Vương Đình Huệ nhất trí với những đề xuất phối hợp của Nhà trường và mong muốn có cơ chế cho sự phối hợp đó, đặc biệt là phối hợp để nghiên cứu những vấn đề về kinh tế vĩ mô, những vấn đề về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu, nghiêncứu phát triển các ngành kinh tế địa phương, vv… Ban KTTW mong muốn có được những cộng tác thiết thực với Nhà trường. Về cách thức và cơ chế phối hợp, GS Vương Đình Huệ tán thành với những ý tưởng đề xuất hợp tác của Nhà trường, cụ thể có cơ chế nghiên cứu chung, cơ chế phối hợp để tổ chức các hội thảo khoa học; các hợp tác khác trong việc chia sẻ thông tin, và trường là đầu mối để ban KTTW truyền tải các kết quả nghiên cứu.
Góp ý về hợp tác hai bên, nhiều nhà khoa học của Trường đã có những ý kiến góp ý chân thành. GS.TS Nguyễn Kế Tuấn ( nguyên Chủ nhiệm Khoa QTKD) khuyến nghị lãnh đạo Trường chủ động làm việc với các đồng chí lãnh đạo của Ban KTTW để hình thành lên một chương trình hợp tác dài hạn nhưng có trọng điểm, đề xuất nghiên cứu vấn đề mang tầm quốc gia như vấn đề “ Nội dung và phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng cầm quyền trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”. Để phát huy tiềm lực khoa học của trường, GS Tuấn khuyến nghị: Cần đẩy mạnh hoạt động của các nhóm tư vấn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ NCKH; vai trò của bộ môn trong hoạt động NCKH; GS.TS Nguyễn Đình Cử ( Nguyên Viện trưởng Viện DS và Các vấn đề xã hội) xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu thực tiễn khuyến nghị các nghiên cứu cần phải đi trước một bước trước khi các chính sách được ban hành; Ban KTTW có thể tập hợp định kỳ các nhà khoa học đến để chia sẻ và trao đổi những thông tin, kết quả nghiên cứu hay những vấn đề tham mưu cho Trung ương Đảng, khuyến nghị cần có thành viên của hai đơn vị trong các cuộc hội thảo khoa học quan trọng do Ban KTTW hay trường Đại KTQD tổ chức. GS.TS Mai Ngọc Cường, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển phát biểu đánh giá cao về vai trò và sự gắn bó của Trường đại học KTQD với Ban KTTW về hoạt động khoa học, hy vọng mối quan hệ hợp tác của Nhà trường với Quý Ban tiếp tục gắn bó và mở rộng hơn nữa; về hoạt động NCKH trong thời gian tới ngoài các nội dung hoạt động như GS. Trần Thọ Đạt trình bày và những góp ý khác, GS Mai Ngọc Cường cho rằng các nghiên cứu về vấn đề xã hội trong kinh tế thường đi chậm hơn nghiên cứu thuần túy về kinh tế, vì vậy cần được chú trọng hơn. Những vấn đề khác như tình trạng biến đổi trong khu vực nông thôn còn chậm; vấn đề lao động, việc làm và thu nhập ở khu vực nông thôn, các khu công nghiệp đang là vấn đề quan tâm chung của xã hội; vấn đề tiền lương của cán bộ công chức còn quá nhiều bức xúc; vấn đề an sinh xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu cụ thể hơn,vv….Phát biểu của GS.TS Nguyễn Đình Hương ( nguyên Hiêu trưởng), cho rằng các nước phát triển thường lựa chọn một cơ sở đào tạo để hoạch định chính sách; đối với Việt nam, trước đây Trung ương Đảng đã giao cho trường nghiên cứu một vài vấn đề hoặc là đầu mối nghiên cứu các vấn đề kinh tế- xã hội phục vụ cho hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước; Những vấn đề cấp thiết của nền kinh tế cần được phối hợp nghiên cứu như cần xem lại quan điểm phát nông nghiệp trong điều kiện CNH- HĐH từ một nước có xuất phát điểm chủ yếu từ nông nghiệp; các chính sách triển khai áp dụng trong thực tiễn cần phải chú ý đến tổng kết kịp thời việc thực hiện nó để có bước điều chỉnh thích hợp,vv…Những ý kiến góp ý của các nhà khoa học trường đại học KTQD là rất đáng trân trọng, cần được khai thác trong hoạt động khoa học của Nhà trường.
Hội nghị gặp mặt và làm việc với Ban KTTW thành công tốt đẹp, việc lãnh đạo Ban KTTW về thăm và làm việc với Trường là thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Ban Kinh tế Trung ương đối với trường Đại học Kinh tế Quốc dân về những đóng góp và năng lực hoạt động khoa học của Nhà trường trong thời gian qua và hiện nay. Những ý kiến phát biểu và khẳng định về sự phối hợp từ GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban KTTW cùng với những định hướng hoạt động NCKH, tiềm lực về đội ngũ chuyên môn vốn có của Trường đang mở ra một cơ hội hợp tác mới và có hiệu quả về hoạt động khoa học giữa trường đại học KTQD với Ban KTTW trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
Quang cảnh hội trường buổi làm việc với GS.TS Vương Đình Huệ- Trưởng ban KTTW
GS.TS Trần Thọ Đạt- Phó Hiệu trưởng báo cáo tại buổi làm việc
Các nhà khoa học phát biểu ý kiến
Lê Anh Tuấn- TP. CTCT và QLSV