Việt Nam trước cơ hội ‘chuyển mình’ trong kỷ nguyên số

Việt Nam trước cơ hội ‘chuyển mình’ trong kỷ nguyên số

Thông Tin Kinh Tế

Việt Nam trước cơ hội ‘chuyển mình’ trong kỷ nguyên số

(TBKTSG Online) – Chính phủ cần có những dự án đầu tư công vào phát
triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thanh toán điện tử
và ngân hàng điện tử nếu muốn hiện thực hoá mục tiêu số hoá toàn diện
nền kinh tế, theo PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học –
trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được giới thiệu tại một sự kiện về chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Hoàng Thắng

TBKTSG Online: Kinh tế số được nhắc tới như một hướng đi tất yếu của
nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Vậy Việt Nam đứng trước cơ hội và
thách thức gì khi phát triển loại hình kinh tế này?

PGS. TS Tô Trung Thành: Thứ nhất, Việt Nam có một
nguồn dân số trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng
mới, trong đó có kiến thức và kỹ năng số. Tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao
động tương đối cao. Nguồn nhân lực trẻ và giáo dục được coi là những tài
sản giá trị trong quá trình chuyển đổi kinh tế và số hóa.

Ngoài ra, còn có sự gia tăng rất lớn của tầng lớp trung lưu, theo đó,
thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến nền kinh tế
số cũng được mở rộng.

Nhưng thách thức không nhỏ là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam
còn yếu kém, hạn chế cả về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc, ngoại
ngữ, khả năng làm việc độc lập, nhóm.

Thứ hai, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ điện
tử, chính phủ số, hình thành cổng thông tin điện tử quốc gia, cải cách
nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam đã thực sự coi công nghệ số, kinh tế số là một cơ hội lớn để có
thể tiến nhanh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nhưng xuất phát điểm cho phát triển kinh tế số của Việt Nam thấp hơn so
với các nước trong khu vực. Ngoài ra, nhận thức, kiến thức của cơ quan
quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số chưa thống
nhất, chậm chạp, và không đồng đều. Đặc biệt, hành lang pháp lý và môi
trường thể chế chính sách còn nhiều bất cập và là rào cản lớn cho phát
triển kinh tế số.

Vì vậy, sự sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Mức độ sẵn
sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng thứ 70/141 quốc gia, dưới nhiều
nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, theo xếp hạng năm
2019 của Cisco.

Thứ ba, Việt Nam đang tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của mình.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 xếp Việt Nam ở vị trí 42, dẫn
đầu trong số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều này có
thể là lợi thế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ mới nổi
trong khu vực trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính cho đổi mới sáng
tạo.

Thêm vào đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để vượt qua giai đoạn “bắt kịp
công nghệ” tiến tới “phát triển công nghệ” nhờ vị trí gần với trung tâm
địa kinh tế toàn cầu và trung tâm công nghệ của thế giới.

Tuy nhiên, năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn với khu vực về đổi mới, sáng tạo.

Thứ tư, tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng nhanh phát triển nhanh chóng
công nghệ truyền thông di động, với mạng 4G hiện phủ sóng hơn 95% các
hộ gia đình, và đang xây dựng mạng 5G. Phạm vi phủ sóng không dây rộng
rãi cùng với số lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động cao, có
thể giúp ngăn chặn việc phân chia số và đảm bảo mọi người đều có thể
khai thác được từ kinh tế số.

Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp công nghệ thông tin
mũi nhọn như thương mại điện tử, Fintech, kinh tế chia sẻ… Ngoài ra,
nước ta hiện là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và là môi trường
với nhiều điều kiện ưu đãi để khởi nghiệp công nghệ.

Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ nhanh đã dẫn tới sự bất bình đẳng
giữa các doanh nghiệp đã sẵn sàng và doanh nghiệp chưa sẵn sàng ngày
càng gia tăng. Tương tự, sự phát triển của thương mại điện tử tác động
tiêu cực đến hệ thống bán lẻ.

Thêm vào đó, khung pháp lý với nhiều lĩnh vực số chưa hoàn thiện đã dẫn
tới những kẽ hở và sai phạm, gây mất lòng tin đối với những ứng dụng
công nghệ, kể cả chính thương mại điện tử.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thường khó bắt kịp với tốc độ đổi mới này và
phải cần rất nhiều vốn để có thể kịp thời thích ứng bối cảnh mới.

Chính phủ cần làm gì để kinh tế số thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thưa ông?

Chính phủ cần có một bản chiến lược khung làm nền tảng cho các định
hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Mục tiêu mà
Việt Nam hướng tới là kịch bản chuyển đổi – đồng bộ số hóa ở tất cả các
ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc này phải bắt đầu từ hoạt động quản
trị Nhà nước.

Ngoài ra, cần sở hữu một hạ tầng và dịch vụ số rộng khắp với khả năng
bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, nếu muốn có
một nền kinh tế chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện. Để làm được điều đó,
chúng ta cần có một nguồn lực cực lớn với điểm tựa chính là nguồn vốn xã
hội đến từ khu vực tư nhân và khu vực FDI chứ không thể chỉ đến từ
nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều kiện căn bản để thu hút nguồn vốn đầu tư này là môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng và minh bạch.

Về dài hạn, chuyển đổi số phải xuất phát từ sự đổi mới của hệ thống
giáo dục – đào tạo thông qua thay đổi từ cách thức quản lý giáo dục,
phương pháp dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn chặt với số
hóa. Cụ thể, kỹ năng số sẽ được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp
mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi và cấp độ học cao hơn.

Ngoài ra, cần thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi về thuế, về tín
dụng với các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới, ứng
dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh
nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản
xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Lý do là
trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá lạc hậu, số
lượng các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn
chế, tỷ lệ các doanh nghiệp chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển
rất thấp.

Cuối cùng, Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các
doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của kỷ nguyên
kinh tế số. Đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông
tin/viễn thông, thanh toán điện tử và ngân hàngđiện tử sẽ giúp các
doanh nghiệp cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số.

Ông có thể đề xuất những giải pháp dài hạn nhằm dịch chuyển mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn?

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, Chính
phủ cũng cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị
những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch. 

Thứ nhất, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tìm kiếm động lực tăng
trưởng mới trong bối cảnh những động lực cho tăng trưởng trước đây đang
dần cạn kiệt. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào nền tảng
công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp căn bản trong giai đoạn phát
triển sắp tới của nền kinh tế.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng: xây dựng nhà nước kiến
tạo, phát triển, liêm chính và hành động; tôn trọng và bảo vệ sự bình
đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện phân cấp quản lý với phân
cấp ngân sách; tinh giảm và kiện toàn bộ máy.

Thứ ba, phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo. Đảm
bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân và bảo vệ
lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn.
Cần có chiến lược nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước để
họ đủ năng lực học hỏi công nghệ mớihoặc đủ năng lực cung cấp đầu vào
cho doanh nghiệp FDI. Chiến lược này cần gắn kết chặt chẽ với chính sách
phát triển khoa học và công nghệ, chính sách giáo dục và đào tạo, chính
sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân
trong nước để các DN lớn dần và sớm đạt quy mô phù hợp.

Thứ tư, cần cụ thể hóa những chính sách thu hút đầu tư FDI “chất
lượng”, hạn chế các dòng vốn đầu tư FDI công nghệ thấp vào Việt Nam chỉ
để tận dụng nhân công rẻ hay “rửa xuất xứ” để gia công. Cần phải giảm
dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một
cách tràn lan và “xé rào” ở các địa phương; cũng như rà soát lại toàn bộ
các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI “kém chất
lượng”. Đồng thời chỉ tiếp nhận và tạo ưu đãi đôt phá đối với các dòng
vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo giá trị
gia tăng cao, kết nối với các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu công nghiệp, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá
trị khu vực, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách
toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng
tăng thực hành; phát triển năng lực theo hướng đa kỹ năng; tăng cường
kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường. Bên cạnh đó, cần khuyến khích
các doanh nghiệp lớn đầu tư vào giáo dục thông quan hệ đối tác công tư.

Thứ sáu, phát triển bền vững về môi trường qua các giải pháp gồm: phát
triển công nghệ xanh, năng lượng sạch; phục hồi, duy trì và sử dụng có
hiệu quả các nguồn tài nguyên; kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm và suy
thoái môi trường; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thắng

Link: https://www.thesaigontimes.vn/312707/viet-nam-truoc-co-hoi-chuyen-minh-trong-ky-nguyen-so.html

Đang tuyển sinh