Đoàn công tác Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị khảo sát và nghiên cứu về tác động của xâm nhập mặn và vai trò của các công trình thủy lợi lên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
07/05/2021 2021-05-07 18:45Đoàn công tác Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị khảo sát và nghiên cứu về tác động của xâm nhập mặn và vai trò của các công trình thủy lợi lên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
Đoàn công tác Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị khảo sát và nghiên cứu về tác động của xâm nhập mặn và vai trò của các công trình thủy lợi lên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
Từ ngày 22 đến 27/4/2021, đoàn công tác gồm các giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu tại tỉnh Kiên Giang trong khuôn khổ dự án “Tăng cường dịch vụ khí hậu trong đầu tư cơ sở hạ tầng (CSI)”. CSI là một dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ khí hậu trong quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự án này là một hợp phần của chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) và được thực hiện bởi tổ chức GIZ, đại diện cho Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) của Liên bang Đức.
Trong buổi làm việc đầu tiên, Đoàn công tác đã làm việc với UBND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, ông Lê Quốc Việt đã trình bày về hiện trạng sản xuất nông nghiệp tại huyện Châu Thành, tình hình xâm nhập mặn những năm gần đây và vai trò của cống kiểm soát mặn Cái Lớn – Cái Bé đối với địa phương. Ông cũng giới thiệu mô hình canh tác giống lúa bản địa với kỹ thuật canh tác truyền thống, thân thiện với môi trường. Mô hình này hiện còn ở quy mô nhỏ nhưng là địa điểm nghiên cứu, học tập cho nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở đồng bằngsông Cửu Long và đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường đối với sản phẩm truyền thống.
Đồng thời, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát hộ gia đình ở các huyện Châu Thành, An Biên và Hòn Đất. Đối tượng khảo sát chính là các hộ gia đình sản xuất lúa (2 hoặc 3 vụ một năm) và sản xuất tôm – lúa (1 vụ tôm và 1 vụ lúa). Mục đích của cuộc khảo sát là đánh giá tác động của tình trạng xâm nhập mặn lên hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Khảo sát cho thấy trong những năm gần đây, hoạt động trồng lúa bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn. Vào mùa khô, nguồn nước sản xuất bị ảnh hưởng bởi mặn khiến cho vụ lúa của người dân bị thiệt hại, làm thu nhập của họ bị giảm từ 30-60% mỗi năm. Trong khi đó, với các hộ sản xuất tôm – lúa, việc chuyển sang nuôi tôm vào mùa khô đã giúp họ thích ứng được với tình trạng mặn, tránh được thiệt hại và còn gia tăng thu nhập.
Đoàn khảo sát còn tìm hiểu về quan điểm của người dân đối với các giải pháp thích ứng của nhà nước, trong đó có giải pháp công trình. Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cống kiểm soát mặn Cái Lớn – Cái Bé hiện đang trong quá trình gấp rút xây dựng và hoàn thiện để hỗ trợ người dân ứng phó với xâm nhập mặn. Bước đầu cống Cái Bé đã đi vào hoạt động và được người dân đánh giá tích cực vì nó đã hạn chế mặn, giúp người dân có thu nhập ổn định trong vụ lúa vừa qua. Cuộc điều tra cũng cho thấy các giải pháp phi công trình luôn là cần thiết để người dân có thể chủ động thích ứng với xâm nhập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.
Chuyến khảo sát được sự hỗ trợ tích cực của các cán bộ thuộc Trạm Khuyến nông các huyện Châu Thành và Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Kết quả cuộc điều tra sẽ được sử dụng phục vụ cho phân tích chi phí – lợi ích việc áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đối với công trình hạ tầng tại đồng bằng sông cửu Long. Đồng thời, chuyến công tác của đoàn đã đem lại nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy của Khoa trong tương lai.
Một số hình ảnh của buổi làm việc với hộ gia đình tại Kiên Giang:
Bài và ảnh: Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị