Hội thảo Quốc tế YSEALI 2023: Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học
20/05/2023 2023-05-20 15:57Hội thảo Quốc tế YSEALI 2023: Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học
Hội thảo Quốc tế YSEALI 2023: Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học
Từ ngày 16 đến ngày 19/5 vừa qua, tại Hà Nội, 75 lãnh đạo trẻ được lựa chọn trong hơn 900 ứng viên nộp hồ sơ đến từ 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste gồm các giảng viên, nhà quản lý, nhà hoạch định và vận động chính sách, cố vấn và các chuyên gia trẻ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học đã có những trải nghiệm bổ ích và lý thú tại chuỗi Hội thảo khu vực Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI 2023) với chủ đề “Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học”.
Hội thảo có 75 lãnh đạo trẻ được lựachọn trong hơn 900 ứng viên nộp hồ sơ đến từ 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste
Tham dự hội thảo, về phía Đại sứ quán Hoa Kỳ có ông Marc Knapper – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện trong toàn trường; đặc biệt là sự góp mặt của 75 nhà lãnh đạo trẻ trong số hơn 900 ứng viên nộp hồ sơ đến từ 10 quốc gia ASEAN và Timor-Leste.
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế như một công cụ đổi mới cho các tổ chức giáo dục đại học chuyển đổi thông qua việc tập trung vào nhiều chủ đề bao gồm chia sẻ tài nguyên và mô hình các phương pháp hay nhất trong thiết kế chương trình và bằng cấp, học tập trải nghiệm và giáo dục hòa nhập.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu phát biểu
Phát biểu tại lễ Khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Hội thảo quy tụ các thủ lĩnh trẻ tham gia đối thoại, trao đổi ý tưởng về tăng cường các hoạt động đổi mới trong dạy – học, số hóa – chia sẻ tài nguyên; tích hợp đổi mới và khởi nghiệp giữa và trong các trường đại học ASEAN, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. “Thông qua nhiều chương trình và cam kết khác nhau, YSEALI tìm cách xây dựng năng lực lãnh đạo của giới trẻ trong khu vực, củng cố mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, đồng thời nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung” – GS. Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cam kết thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực học tập, chú trọng đào tạo sinh viên được trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tạo tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. “Chúng tôi tin rằng giáo dục là một công cụ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi tích cực, do đó chúng tôi rất vui mừng có cơ hội hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để tạo ra những cơ hội mới cho việc học tập, phát triển và hợp tác”, Giáo sư Hiệu trưởng khẳng định trải nghiệm này sẽ trang bị cho các nhà lãnh đạo trẻ kiến thức, kỹ năng và quan điểm cần thiết để tạo ra tác động tích cực trong cộng đồng của chúng ta và thế giới.
Ông Marc Knapper – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu
Về phía Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Marc Knapper nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Hòa Kỳ trong việc sẵn sàng cùng các nước ASEAN và Timor-Leste thúc đẩy các sáng kiến giáo dục trong khu vực. Đồng thời, ông Marc Knapper cũng kỳ vọng, các thủ lĩnh trẻ tham dự hội thảo sẽ đưa ra nhiều giải pháp, mang lại lợi ích cho toàn khu vực, giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
Lãnh đạo Trường tặng quà cảm ơn ông Marc Knapper – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế
Trong suốt chương trình kéo dài bốn ngày, người tham dự đã được tiếp cận với 4 chủ đề chuyên sâu bao gồm: quốc tế hóa trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu; quốc tế hóa trong số hóa và chia sẻ tài nguyên; tính toàn diện và đa dạng trong giáo dục đại học quốc tế; đưa văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào các cơ sở giáo dục đại học. 75 nhà lãnh đạo trẻ đã có những phiên thảo luận sôi nổi cùng các chuyên gia trong ngành nhằm đưa ra các sáng kiến đổi mới. Các phiên thảo luận đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, tiến bộ kỹ thuật số, sự toàn diện và tinh thần kinh doanh trong các tổ chức giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo trẻ của chương trình cũng đã được tham quan tại các trường: Đại học Ngoại thương, Đại học VinUni và đơn vị tổ chức của chương trình – Đại học Kinh tế Quốc dân và được lắng nghe về những nỗ lực đổi mới và quốc tế hóa trong giáo dục đại học tại Việt Nam. Chuyến du khảo đã tiếp thêm sức mạnh cho các nỗ lực chuyển đổi của các đại biểu, đồng thời thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế cho các tổ chức giáo dục đại học.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu
Phần được mong đợi nhất chính của chuỗi sự kiện chính là màn trình diễn các sáng kiến của từng nhóm tham gia chương trình. Sau bốn ngày làm việc cật lực, mỗi nhóm gồm các thành viên đến từ các quốc gia khác nhau đã có sản phẩm là dự án có thể gọi được vốn tài trợ từ chương trình với mục đích thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục ở các nước ASEAN. Các sáng kiến tập trung vào xây dựng các nền tảng số cung cấp thông tin, cơ hội, kết nối thanh niên, sinh viên, trường đại học, các bên hữu quan trong hệ sinh thái ASEAN với nhau và với toàn cầu. Kết thúc cuộc đua, ba sáng kiến đã đạt được seed fund từ chương trình với trị giá 3000USD/sáng kiến để thực hiện dự án trong vòng 3 tháng. Đó là ba dự án với các sáng kiến về xây dựng một nền tảng cung cấp thông tin, hướng dẫn, cố vấn (mentorship) cho các thanh niên ASEAN đang mong muốn tìm kiếm học bổng, đăng ký học đại học, cao học ở các trường quốc tế, lựa chọn trường phù hợp và điều chỉnh với môi trường văn hoá, học tập mới mẻ (dự án iSEAu); sáng kiến xây dựng một website để kết nối các nhà tài trợ với các nhóm nghiên cứu trong khu vực ASEAN (dự án ASEAN COLAB) và sáng kiến phát triển một câu lạc bộ xem phim trong khu vực ASEAN, giúp các bạn thanh niên trogn khu vực có thể học tập tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai thông qua các hoạt động cùng nhau xem phim, trao đổi về nội dung phát triển các kỹ năng về ngôn ngữ (Dự án E-SA).
Chia sẻ về trải nghiệm này, Giáo sư Ronilo Jose D. Flores (Philippines) – Khoa Sinh học môi trường Viện Khoa học Sinh học, Đại học Philippines Los Banos cho biết: “Nhóm của tôi có 10 thành viên đến từ các quốc gia khác nhau. Trước khi gặp mặt trực tiếp tại Hà Nội, các thành viên nhóm đã tích cực thảo luận về đề tài qua internet và mạng xã hội. Theo đó, nhóm tôi quyết định tham gia cuộc thi tài trợ để gọi vốn với giải pháp thúc đẩy toàn cầu hóa trong chương trình giảng dạy. Chúng tôi tin tưởng ý tưởng của mình phù hợp với khu vực ASEAN, đặc biệt là đối với giáo dục đào tạo chính quy cho thế hệ trẻ. Đây là bước đầu để chúng tôi đưa ra tầm nhìn cho một dự án lớn hơn nữa trong tương lai”.
YSEALI 2023 đã tạo ra một môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến hợp tác về đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học. Chuỗi Hội thảo khép lại với đêm hội văn hóa cùng những màn trình diễn nghệ thuật sôi động đến từ đại biểu của các nước. Từ đó, những kỷ niệm đáng nhớ, những tình bạn mới và cam kết đổi mới đã được hình thành chặt chẽ. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện hy vọng những kiến thức và kỹ năng có được qua bốn ngày trải nghiệm sẽ giúp các đại biểu tạo những tác động tích cực đến tư duy, tầm nhìn của từng nhà lãnh đạo giáo dục trẻ nói riêng và nền giáo dục mỗi quốc gia Đông Nam Á nói chung, qua đó góp phần hình thành tương lai của giáo dục đại học tại khu vực Đông Nam Á theo hướng mở và đổi mới sáng tạo./.
Bài và ảnh: Trung tâm KN&STXH & Phòng Truyền thông