Tôi 2.0 – Mảng phát triển: Cơ hội rèn luyện năng lực và phẩm chất cho sinh viên

Tôi 2.0 – Mảng phát triển: Cơ hội rèn luyện năng lực và phẩm chất cho sinh viên

Bản tin NEU

Tôi 2.0 – Mảng phát triển: Cơ hội rèn luyện năng lực và phẩm chất cho sinh viên

Tiếp nối thành công của buổi tọa đàm “ Chúng ta và câu chuyện phát triển” vào tháng 5 vừa qua, sáng chủ nhật 15/6, Hội thảo-Hội chợ “Tôi 2.0 – Mảng phát triển” – sự kiện thứ 2 của chương trình “Tôi 2.0 – La bàn tương lai”  đã diễn ra tại Hội trường A – Trường đại học Kinh tế Quốc dân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Thủy Chi, Phó Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, đơn vị đồng hành cùng RYSE trong chuỗi hoạt động “Tôi 2.0 – La bàn tương lan”, đã khuyến khích các bạn sinh viên hãy học hỏi tính chủ động, rèn luyện năng lực và thể hiện sự nỗ lực của mình trong các hoạt động ở lĩnh vực phát triển. Đầy nhiệt huyết, dám dấn thân và luôn máu lửa là đặc trưng của những người hoạt động trong lĩnh vực phát triển. Và đó cũng sẽ là những phẩm chất quan trọng cho sự thành công của các bạn trẻ sau này.
Ba vị khách mời của chương trình: Chị Nguyễn Thị Bích Tâm – Phó Giám đốc TT nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), anh Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và chị Nguyễn Thị Lan Anh – người sáng lập Trung tâm ACDC đã giao lưu chia sẻ với các bạn sinh viên về những cơ hội, thách thức và cả sự đánh đổi khi “dấn thân” hoạt động trong các dự án xã hội, các dự án vì cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.
Qua góc nhìn của những con người từng trải, những câu chuyện trong mảng phát triển hiện lên đầy sống động và thú vị. Quan tâm nhiều đến các khía cạnh văn hóa và xã hội trong phát triển, đặc biệt người dân tộc thiểu số, người đồng tính và chuyển giới,  anh Lê Quang Bình nhận định: “Định kiến và kì thị cản trở sự hiểu biết và thông cảm của người dân đối với các đối tượng này.  Điều khó khăn nhất tôi nhận thấy trong công việc của mình là làm thế nào để lắng nghe, để hiểu được họ cần gì và để mình có thể làm được những điều thiết thực cho họ”.


 

Các diễn giả giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về
các thử thách và cơ hội trong các hoạt động ở mảng phát triển

 

Còn với chị Lan Anh – người có thể nói là hiểu hơn ai hết cuộc sống khó khăn của những người khuyết tật ở Việt Nam khi bản thân chị cũng là một người trong số đó cũng chia sẻ: “Cần có cách nhìn về người khuyết tật  rằng sự có mặt của họ là sự đa dạng của cuộc sống. Rất nhiềunăm tôi nghĩ chỉ có một dạng khuyết tật như mình, nhưng rồi dần mới nhận ra còn nhiều dạng tật khác: người khiếm thị, khiếm thính…. Điều quan trọng là cần làm thế nào để người khuyết tật cũng có cơ hội tiếp cận với các cơ hội theo cách phù hợp với họ, và như vậy là tạo cho họ được bình đẳng với những người khác, để họ  có thể làm việc trong môi trường cơ quan mà không bị phân biệt đối xử, được coi trọng như một người bình thường…”
Và chị  Bích Tâm, một trong ba vị giám khảo quen thuộc của chương trình “Siêu thủ lĩnh” đưa ra lời khuyên: “Điều bạn cần chú ý khi hoạt động trong mảng phát triển chính là vượt qua “bẫy hấp dẫn” – ảo tưởng về việc mình giỏi hơn người khác, nhất là khi đến từ các tổ chức có tài chính. Bởi vậy, bạn áp ý kiến của mình vào người khác nhưng lại không biết rằng nó không phù hợp, cuối cùng hậu quả lại là nhóm cộng đồng đó phải chịu, thế nên điều quan trọng nhất là bạn biết mình là ai, mình ở đâu, mình mang đến cái gì và mình làm được gì.”  Cùng với  các hoạt động giao lưu  mang tính chia sẻ  của hội thảo, hoạt động tiếp nối là hội chợ đã đem đến cho những người tham dự những bức tranh sống động và chân thực về các dự án, hoạt động thực tế của các tổ chức: HanoiKids, Bé Mầm, DEL HANU, Hanoi VIP Elite, 350.ORG Hà Nội,

Mỗi gian trại là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ về từng tổ chức, dự án đang và sẽ thực hiện trong tương lai cùng những khao khát, mong muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

 

Bên cạnh hoạt động chính là hội thảo, hội chợ, các hoạt động bên lề cũng vô cùng đặc sắc: Khu “ TÔI MUỐN ĐÓNG GÓP” – nơi các bạn sẻ chia ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề thuộc về 5 lĩnh vực (Ô nhiễm môi trường, Bệnh truyền nhiễm, Sinh kế, Hướng nghiệp – dạy nghề, Quyền lợi nhóm yếu thế), Triển lãm ảnh nghệ thuật, Chiếu phim…
Chương trình khép lại trong bản hòa ca “Nối vòng tay lớn” của khán giả, ban tổ chức chương trình cùng các tổ chức, câu lạc bộ đến từ khắp nơi trên địa bàn Hà Nội như lời hứa hẹn chung tay đồng lòng vì cộng đồng.


Đối với sinh viên – học hỏi, rèn luyện và lan tỏa
tính chủ động để giải quyết các vấn đề của bản thân là một trong những điều quan trọng
nhất mà các hoạt động cộng đồng đem đến cho các bạn

Những hoạt đông như thế này sẽ cho các bạn sinh viên được truyền thêm cảm hứng từ các vị diễn giả, từ bạn bè, và hơn hết, khám phá được nguồn năng lượng tiềm ẩn dồi dào trong chính bản thân mình, để trở nên năng động hơn, trách nhiệm hơn với bản thân và với cộng đồng. 


Cảm ơn các đơn vị, tổ chức cá nhân đã đồng hành cùng chương trình và hãy cùng chờ đón các hoạt động trong những tháng tới của Tôi 2.0 – La bàn tương lai!
 

Bài và Ảnh: Viện Đào tạo Quốc tế

Đang tuyển sinh