Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức”
22/12/2023 2023-12-22 14:54Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức”
Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức”
Sáng ngày 21/12/2023, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức” (Vietnam in partnership with giants: opportunities and challenges).
Toàn cảnh tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tao; cùng các thành viên Hội đồng Khoa học & Đào tạo; đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị – xã hội; cán bộ, giảng viên trong trường; đại diện lãnh đạo các trường đại học/học viện; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các diễn giả trong nước và quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu cho hay, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nâng cao mối quan hệ đối tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với việc thực thi và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có cơ hội để đạt được thịnh vượng, nhưng cũng đối mặt với những thách thức. Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, tiếp nối thành công của các hội nghị quốc tế trong năm về logistics, thương mại điện tử và chuỗi giá trị, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức” được tổ chức nhằm tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu, quản trị viên và người làm chính sách để thảo luận về các nghiên cứu đang diễn ra trong bối cảnh tích hợp quốc tế và hiệp định thương mại tự do.
PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế phát biểu
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế cho hay, trên thế giới, nhiều quốc gia lớn đang theo đuổi các chính sách cạnh tranh với nhau, nên Việt Nam lại trở thành một điểm sáng mới trong chiến lược cạnh tranh này. Theo PGS. Tạ Văn Lợi, hiện nay, chúng ta xuất khẩu nhiều đến các thị trường trọng điểm tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… nhưng cũng nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN… nên hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn nằm xung quanh các chuỗi giá trị. Nên vấn đề này đặt ra cho Việt Nam cơ hội tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận nhiều đối tác tiềm năng. “Nhưng lợi ích của toàn cầu hóa không phải là chia đều cho các quốc gia, mà quốc gia nào có càng nhiều năng lực và tiềm lực thì sẽ chiếm được nhiều lợi thế hơn. Trong khi Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, năng lực của doanh nghiệp còn tương đối yếu, nên cơ hội mở ra nhưng phần nhận được vẫn không quá lớn”, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế nhấn mạnh.
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Việt Nam đang làm bạn với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, nên đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nêu lên nhiều thách thức về an ninh, căng thẳng địa chính trị, điều chỉnh chính sách của các nước lớn… sẽ tạo ra những tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước, nên nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.
Các chuyên gia trao đổi và chia sẻ tại Hội thảo
Theo các chuyên gia, các động lực tăng trưởng cho 2024 và thời gian tới là cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, đầu tư công được đẩy mạnh; rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn. Cùng với đó, vấn đề lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát… Cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy…
Nhưng PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung cần thay đổi, gia tăng sức mạnh để tận dụng những cơ hội và dư địa. Trong đó, các doanh nghiệp phải cải cách một cách mạnh mẽ, tìm các đối tác để chuyển giao công nghệ, nâng cao cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… theo các tiêu chuẩn quốc tế./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:
Diễn đàn doanh nghiệp: Đón bắt xu thế dịch chuyển dòng chảy đầu tư
Hải quan: Lợi ích của toàn cầu hóa không chia đều, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn