Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thành công Hội thảo quốc tế phối hợp với ADBI – được tổ chức thường niên tại Tokyo, Nhật Bản

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thành công Hội thảo quốc tế phối hợp với ADBI – được tổ chức thường niên tại Tokyo, Nhật Bản

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thành công Hội thảo quốc tế phối hợp với ADBI – được tổ chức thường niên tại Tokyo, Nhật Bản

Vừa qua, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc và phối hợp tổ chức Hội thảo khoa họcquốc tế với Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI – Asian Development Bank Institute) tại trụ sở ADBI, Tokyo, Nhật Bản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Đoàn công tác còn có GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; PGS.TS Hồ Đình Bảo – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ; PGS.TS Phạm Thị Bích Chi – Trưởng phòng Tài chính Kế toán; TS. Đào Thanh Tùng – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; cùng các chuyên gia, các nhà khoa học của Trường được mời đến tham dự và trình bày tại Hội thảo (với sự tài trợ của ADBI). Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia của ADBI, các tác giả và chuyên gia quốc tế từ các nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Butan, Pakistan, Ấn Độ…

Hội thảo quốc tế năm 2024 với chủ đề là “Policy Lessons for the Post-COVID 19 Recovery” đã được hai bên đồng tổ chức trong hai ngày 07 – 08/3/2024 tại ADBI, Tokyo, Nhật Bản.

GS.TS Tetsushi Sonobe – Giám đốc ADBI phát biểu

Phát biểu khai mạc, GS.TS Tetsushi Sonobe – Giám đốc ADBI vui mừng cho biết lần đầu tiên ADBI phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức một hội thảo quốc tế bàn về vấn đề kinh tế – xã hội ở nhiều nước khác nhau và chia sẻ các bài học từ đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề trong phục hồi sau đại dịch.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc

Tiếp đó, trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chào đón các nhà khoa học, các diễn giả tham gia hội thảo cũng như cảm ơn ADBI đã nhận lời đồng tổ chức Hội thảo này. PGS. Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh các nghiên cứu, thảo luận được trình bày ở hội thảo sẽ cung cấp nhiều góc nhìn về tác động của đại dịch Covid-19 cũng như quá trình phục hồi sau đại dịch ở các nước có điều kiện kinh tế, thể chế khác nhau.

Toàn cảnh phiên tổng thể của Hội thảo

PGS.TS Bùi Huy Nhượng trao quà lưu niệm cho TS. Peter Morgan, ADBI

Mở đầu Hội thảo là bài trình bày của hai diễn giả: TS. Jonathan Pincus – Chuyên gia quốc tế của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam và Giáo sư của Trường Đại học Fulbright Việt Nam với chủ đề về các bài học kinh tế vĩ mô trong đại dịch Covid-19 và kinh nghiệm của Việt Nam. Bài trình bày cho thấy những thay đổi nhanh chóng của các nền kinh tế khu vực châu Á và thế giới do sự hoành hành của đại dịch và những phản ứng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước nhằm duy trì nền kinh tế cũng như tăng cường hỗ trợ các nhóm dân số, doanh nghiệp… bị tác động bởi đại dịch.  

Tiếp đó, Hội thảo được tổ chức thành 06 phiên chuyên đề và 01 phiên thảo luận bàn tròn. 06 phiên chuyên đề bao gồm phiên 1 về các vấn đề kinh tế vĩ mô dưới tác động của đại dịch Covid-19; phiên 2 về tác động của đại dịch và phản ứng của chính phủ các nước tới dòng chảy thương mại trong khu vực ASEAN; phiên 3 về hoạt động và sự hỗ trợ từ chính phủ trong đại dịch tới hoạt động của doanh nghiệp và một số ngành sản xuất; phiên 4 về các vấn đề kinh tế số trong bối cảnh đại dịch; phiên 5 về các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tư cách là nhóm chiếm tỷ trọng rất cao trong hệ thống các doanh nghiệp ở các nước châu Á và phiên 6 về tác động của Covid-19 tới sức khỏe và phúc lợi của người dân và hộ gia đình.

Các đại biểu trong các phiên chuyên đề của Hội thảo

Trong phiên thảo luận bàn tròn, chủ đề chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước châu Á đã được thảo luận sôi nổi với các diễn giả đến từ Việt Nam, Bhutan, Indonesia và Nhật Bản đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về sự vượt trội cũng như thách thức của số hóa với các doanh nghiệp vừa và nhỏở các nước, đặc biệt là sự khác biệt trong lĩnh vực hoạt động, khả năng thích ứng dưới góc độ nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng… Các diễn giả cũng đưa ra nhiều gợi ý cho các đại biểu trong việc cần phải nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này thì mới có thể có đề xuất chính sách phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp.

Các đại biểu trong phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo

Theo kế hoạch chung của NEU và ADBI, các bài được lựa chọn trong hội thảo này sẽ được tiếp tục điều chỉnh để đăng trên số đặc biệt của Tạp chí JED – Journal of Economics and Development (danh mục Scopus).

Ban tổ chức trao “Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc nhất” cho GS.TS Giang Thanh Long – Trường ĐH KTQD

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Dil Bahadur Rahut – ADBI nhiệt liệt chúc mừng sự thành công của Hội thảo và cho rằng sự thành công này đã vượt ngoài mong đợi của ông trong lần đầu tiên phối hợp tổ chức một Hội thảo quốc tế lớn giữa 2 đơn vị.

Trong khuôn khổ Hội thảo, NEU và ADBI đã đi đến thỏa thuận phối hợp triển khai tổ chức các thảo quốc tế thường niên từ năm 2024. Ngoài ra, hai bên cũng mở ra các cơ hội tiến hành các nghiên cứu cộng tác giữa hai bên về các chủ đề kinh tế được quan tâm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đoàn công tác của Trường ĐH KTQD tham dự tại Hội thảo

Bài và ảnh: Đoàn công tác và Phòng Truyền thông

Đang tuyển sinh