Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 (ICSEED 2021) với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế – Xã hội và Môi trường trong phát triển”
10/06/2021 2021-06-10 14:41Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 (ICSEED 2021) với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế – Xã hội và Môi trường trong phát triển”
Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 (ICSEED 2021) với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế – Xã hội và Môi trường trong phát triển”
Sáng ngày 10/6/2021, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và đô thị – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Khon Khaen, Thái Lan đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 (ICSEED 2021) với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế – Xã hội và Môi trường trong phát triển” (Socio-Economic and Environmental issues in development).
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có GS.TS. Hsu Hui Huang – Tham tán Khoa học và công nghệ, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (TECO); Paul J. Burke – giảng viên Trường Chính sách công Crawford (Crawford School of Public Policy), Đại học Quốc gia Australia (Australian National University); TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC). Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; GS. TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; PGS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị – xã hội trong toàn trường, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng các bạn sinh viên qua kênh trực tiếp và kênh online trên phần mềm Microsoft Teams.
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng suốt thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã luôn tích cực và chủ động hợp tác với các trường, các cơ sở của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, trọng tâm là hợp tác đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Hội thảo quốc tế lần này là một minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nhà trường. PGS.TS Phạm Hồng Chương hi vọng thông qua hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có thêm cơ hội tăng cường kinh nghiệm trao đổi, giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn hoạch định chính sách phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế, qua đó đưa ra một số giải pháp hữu ích trong quá trình tư vấn chính sách, đóng góp vào sự phát triển của Thái Lan và Việt Nam. PGS Hiệu trưởng cũng bày tỏ sự trân trọng nỗ lực của khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị trong việc tổ chức thành công hội thảo nhưng vẫn đảm bảo các quy định về an toàn sức khỏe trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
PGS.TS. Orthai Piayura – Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (HUSO), Đại học Khon Khaen phát biểu đề dẫn Hội thảo
Cũng tại hội thảo, qua kênh online, PGS.TS. Orthai Piayura – Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (HUSO), Đại học Khon Khaen đã bày tỏ sự tiếc nuối trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã khiến các giảng viên, nhà nghiên cứu tại Thái Lan không thể sang Việt Nam tham dự hội thảo lần này. PGS.TS Orathai gửi lời cảm ơn tới các tác giả và các quý đại biểu đã tham dự hội thảo, đồng thời bày tỏ hy vọng hội thảosẽ thành công tốt đẹp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị gắn bó lâu dài giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Khon Kaen.
Các chuyên gia trình bày tham luận và trao đổi thông qua kênh online bằng phần mềm Microsoft Teams
Theo chuyên gia kinh tế – TS. Cấn Văn Lực, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới năm 2020 đã bước vào đợt suy thoái sâu. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh, sau đó đến sản xuất, xây dựng và nông nghiệp. Về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, theo TS. Cấn Văn Lực, điều này còn phụ thuộc vào 3 điều kiện là khả năng kiểm soát dịch, tiêm vacxin trên diện rộng, hiệu quả của các gói hỗ trợ kinh tế từ chính phủ và hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong bối cảnh mới, xu hướng mới của thế giới và trong nước sau dịch bệnh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp là rất lớn. Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần được tái cơ cấu lại, thay đổi sản phẩm theo nhu cầu mới của khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái của riêng mình và tham gia vào các chuỗi giá trị xản xuất toàn cầu.
Cũng tại Hội thảo, TS. Paul Burke – Giảng viên Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, năng lượng sạch được đầu tư nghiên cứu và khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới, nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm ô nhiễm môi trường và được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch; vì vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mục tiêu trước mắt mà còn về lâu dài, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo GS.TS. Hsu Hui Huang, trí tuệ nhân tạo đang dần đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề mới về trí tuệ nhân tạo mà chúng ta chưa hiểu rõ. Với trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, giờ đây bằng trí tuệ nhân tạo có thể làm được những công việc vốn do con người thực hiện vàthậm chí còn mang lại hiệu suất cao hơn; vì vậy, việc nắm chắc những kiến thức cơ bản và hiểu rõ hơn về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống hàng ngày ngày càng trở nên quan trọng và thiết yếu.
Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế – Xã hội và Môi trường trong phát triển”đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế với 160 bài nghiên cứu trong 9 lĩnh vực chính bao gồm: Kinh tế phát triển và hội nhập; Quản trị kinh doanh; Công nghệ thông tin và kinh tế số; Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; Quản lý và phát triển vùng, đô thị; Luật pháp và thể chế; Các vấn đề xã hội và nhân văn; Phát triển bền vững; Các tác động kinh tế xã hội của Covid 19 đối với sự phát triển. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ những quan điểm, cách nhìn và phát hiện của mình về những vấn đề hiện hữu. Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều chính sách công cụ và giải pháp hữu ích góp phần giải quyết những vấn đề phát triển, hướng tới một sự ổn định, hiệu quả và bền vững hơn tại từng vùng, quốc gia và toàn thể khu vực. Buổi chiều cùng ngày, các phiên trình bày song song sẽ được diễn ra trên kênh online thông qua phần mềm Microsoft Teams.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Bài và ảnh: Khoa MT, BĐKH&ĐT và Phòng Truyền thông