Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”
25/12/2024 2025-04-23 16:08Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”
Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”
Chiều ngày 25/12/202, tại Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Tác động của chuyểndịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có: TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách,Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Ngô Phương Chí – Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Chứng khoán NSI.
Về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị – xã hội; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Đại học.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất, và nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Thời gian qua, các biến động địa chính trị, đại dịch Covid-19, cùng những thay đổi trong chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã làm thay đổi cấu trúc và dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication).
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng khẳng định, Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và lắp ráp lớn. Điều này có được nhờ vào các lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, chi phí lao động cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả.
Hơn nữa, trong thời gian qua, các biến động địa chính trị, đại dịch Covid-19, cùng những thay đổi trong chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã làm thay đổi cấu trúc và dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những chuyển dịch này mang lại cả cơ hội và thách thức lớn cho nền kinh tế các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam – một nền kinh tế đang phát triển và ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực.
TS. Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế phát biểu đề dẫn Hội thảo
Cũng theo TS. Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn không chỉ phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế mà còn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong việc duy trì vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển và ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại cả cơ hội và thách thức.
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, quá trình dịch chuyển mở ra cơ hội cho Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế mới trong nền kinh tế thế giới; đồng thời tạo ra thách thức về cải thiện năng lực nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường và chuyển đổi số trong sản xuất. Các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng ngày càng khắt khe hơn từ các đối tác như Mỹ và EU đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực công nghệ và quản lý.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các ngành công nghệ cao và sản xuất linh kiện quan trọng, cũng là một bài toán khó cần lời giải.
TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận “Chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam”
TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, những năm qua, khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, tạo đòn bẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của FDI trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Các doanh nghiệp nội địa chưa thực sự tham gia sâu vào các chuỗi có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, liên kết sau giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng mới tập trung ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ.
Báo cáo về chỉ số hiệu quả FDI của các nước ASEAN cho thấy, về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp xếp thứ 90/100, trong đó công nghệ nền tảng (Technology Platform) thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 77/100, FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100, với đầu tư cho R&D chỉ chiếm 0,2% GDP xếp hạng 84/100.
Để khai thác tối đa các cơ hội của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI. Trong đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản trị, quản lý…
Về phía nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trên cơ sở quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, cần tiến hành rà soát việc thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI để điều chỉnh, cơ cấu lại cho hợp lý. Đồng thời, chiến lược thu hút FDI tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Nâng cao vị thế Việt Nam khi dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên mới”
Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần phát triển những công nghệ mới tạo ra nhiều vật liệu, sản phẩm và năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo và vật liệu nhẹ cho các ngành công nghiệp chủ đạo như ô tô, máy tính, điện tử… Đồng thời, quy hoạch lại “vùng đất hiếm”, loại đất hiếm và có kế hoạch phát triển từng loại đất hiếm. Xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc liên kết tài trợ cho việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn. Khi đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản lý sẽ vươn dần lên trong chuỗi cung ứng, thậm chí trở thành các doanh nghiệp cốt lõi của chuỗi, làm chủ chuỗi sẽ thay đổi được vị thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.
PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, ĐHKTQD và TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:
Truyền hình VTC10: Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam
Đại biểu Nhân dân: Nâng cấp doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Hải quan: Định vị Việt Nam khi dịch chuyển “dòng chảy” của chuỗi cung ứng toàn cầu
Công thương: “Nội soi” khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt