Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay”

Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay”

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay”

Sáng ngày 07/11/2019, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay”.


Quang cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; đ/c Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT; đồng chí Trương Ngọc Vinh – Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Nguyễn Hải Đăng – Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; PGS.TS Đoàn Xuân Thủy – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị học, Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Trưởng khoa Lý luận Chính trị; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường; các nhà khoa học trong và ngoài trường, các thầy cô giáo đại diện lãnh đạo khoa Lý luận chính trị đến từ các trường đại học, học viện trên cả nước.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tạiHội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa nồng nhiệt chào đón các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã đến tham dự buổi Hội thảo và cho biết, thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước, Hội đồng lý luận Trung ương đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị. Với sứ mạng trang bị cho người học thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng ý thức công dân, năng lực làm chủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, các môn lý luận chính trị có vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Tuy nhiên, việc thực hiện sứ mạng đó đang gặp không ít khó khăn, thách thức do bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Với 98 bài viết được chọn lọc từ 121 bài viết của các giảng viên lý luận chính trị, các nhà khoa học hiện đang công tác tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước để xuất bản kỷ yếu Hội thảo. PGS. Phó Hiệu trưởng hi vọng thông qua buổi hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới trong các trường đại học nói chung và Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói riêng.

Ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo

Đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa, ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV nhấn mạnh: Công tác giáo dục Lý luận chính trị, các môn Khoa học Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là cấu phần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân; vượt qua khỏi nhiệm vụ cung cấp kiến thức thuần túy mà còn trang bị thế giới quan, nhận thức, bản lĩnh chính trị cho HSSV. Thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước, Hội đồng lý luận Trung ương đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị. Trước tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, đối mặt với can thiệp, chống phá của các thế lực thù địch với nhiều hình thức tinh vi, “diễn biến hòa bình”; với bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi hàng triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, HSSV phải luôn phải học tập, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị vững vàng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH KTQD trình bày Báo cáo tổng hợp bài viết Hội thảo

 PGS.TS Tô Đức Hạnh – Trường ĐH KTQD trình bày tham luận “NHững thách thức trong giảng dạy các môn khoa học Mác – Lenin hiện nay”


 PGS.TS Trần Ngọc Liêu – Trường ĐH KHXH&NV trình bày tham luận “Dạy học Triết học Mác – Lenin ở các trường đại học Việt Nam: Kết quả đạt được, vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao chất lượng”


 PGS.TS An Như Hải – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Đổi mới giảng dậy môn Kinh tế chính trị tiếp cận nền kinh tế số”


 TS Đặng Thị Thanh Trâm – Trường ĐH Mỏ Địa chất trình bày tham luận “Thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam theo chương trình, giáo trình mới”

Các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo được sắp xếp theo 03 chủ đề: Một là, Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận chính trị; Hai là, Nghiên cứu, giảng dạy các môn Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam; Ba là, Một số vấn đề kinh tế xã hội có liên quan.


Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo



 Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các tác giả, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận về những vấn đề cốt yếu như những thách thức đang đặt ra đối với việc nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị; Đánh giá thực trạng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị; Đề xuất kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học trong quá trình triển khai giảng dạy các môn Lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới. Kết quả của buổi Hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, đặc biệt là việc triển khai dạy học theo chương trình mới.


Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:

Báo GD&TĐ: Nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị

Đang tuyển sinh