Tọa đàm khoa học “Kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam và Đài Loan”

Tọa đàm khoa học “Kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam và Đài Loan”

Bản tin NEUTin tức mới nhất

Tọa đàm khoa học “Kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam và Đài Loan”

Sáng ngày 24/6/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng Trường Đại học Quốc gia Đài Bắc đã phối hợp tổ chức thành công Tọa đàm khoa học về Kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam và Đài Loan dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.


Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Đinh Đức Trường – Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các cán bộ giảng viên của Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị. Về phía đại biểu từ các trường đại học và Viện nghiên cứu Đài Loan có GS. Chang Ssu-li, GS. Wang Chih-Yu, trợ lý nghiên cứu Hung Yuei-Rong từ Viện Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Quốc gia Đài Bắc; Giáo sư danh dự Huang Chung-Huang từ Đại học Quốc gia Tsing Hua; PGS. Huang Pin-Yi từ Đại học Văn hóa Trung Quốc; GS. Liao Tsung-Sheng từ Đại học Quốc gia Chung-Cheng; PGS. Yang Chin-Wen từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua; Tiến sĩ Tsai Ming-Shiu từ Công ty TNHH Seeing Carbon Offset.

Buổi tọa đàm tiếp nối thành công của chuỗi các hoạt động trao đổi học thuật trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu Đài Loan với tên gọi “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về Kinh tế các-bon thấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với sự hợp tác của các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đài Loan” do Bộ Giáo dục Đài Loan tài trợ trong giai đoạn 2021-2024 nhằm chia sẻ các chính sách và thực tiễn về phát triển kinh tế các-bon thấp, năng lượng bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Đài Loan.

PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu

Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ cho rằng với những tuyên bố mạnh mẽ của các quốc gia tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 về chuyển đổi năng lượng và lộ trình phát triển các-bon thấp nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5oC vào cuối thế kỷ 21, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã trở thành con đường phát triển chủ đạo trên thế giới trong thời gian tới. Thực hiện lộ trình này đòi hỏi tất cả các quốc gia phải chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển các-bon thấp. Trong bối cảnh này, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ứng phó với những thách thức khác nhau do biến đổi khí hậu gây ra bằng cách cung cấp các chương trình giảng dạy đầy đủ hơn với việc đưa các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chương trình đào tạo cũng như chuyển tải các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách. Là trường đại học hàng đầu về kinh tế, quản lý và kinh doanh tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế và quản lý biến đổi khí hậu cũng như có nhiều nỗ lực chuyển tải các kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định chính sách quốc gia ở Việt Nam. Đại học Quốc gia Đài Bắc, Đại học Quốc gia Tsing Hua, Đại học Quốc gia Chung-Cheng là những trường đại học rất nổi tiếng ở Đài Loan trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế và quản lý tài nguyên thiên nhiên, kinh tế các bon thấp, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Do đó, PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi học thuật giữa các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam và Đài Loan về chủ đề kinh tế các bon thấp.

Giáo sư danh dự Huang Chung-Huang – Đại học Quốc gia Tsing Hua phát biểu

Phát biểu chào mừng và đánh giá cao những hiểu biết sâu sắc của các đại biểu đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về bối cảnh và quá trình thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp ở Đài Loan. GS Huang Chung-Huang nhận định, trong nhiều năm qua, Chính phủ Đài Loan đã và đang rất nỗ lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. GS Huang Chung-Huang cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo và giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân và bày tỏ kỳ vọng về sự hợp tác trong tương lai không chỉ về chủ đề kinh tế các-bon thấp mà còn trong các lĩnh vực học thuật khác nhau, đặc biệt là năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ môi trường.

PGS.TS. Đinh Đức Trường trình bày về động lực và định hướng phát triển Kinh tế Các bon thấp tại Việt Nam

Trong phiên thảo luận mở, chuyên gia, các giảng viên đã chia sẻ kinh nghiệm về động lực, mục tiêu, định hướng và chính sách hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp ở Việt Nam cùng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, sự công bằng trong thực thi các công cụ chính sách giữa các ngành, cũng như các cách thu hút các công ty, các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết cắt giảm khí nhà kính ở Đài Loan.

GS. Huang Chung-Huang trình bày về khung chính sách về Kinh tế Các non thấp tại Đài Loan

Kết thúc buổi tọa đàm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học, viện nghiên cứu ở Đài Loan bày tỏ kỳ vọng sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn nữa về chủ đề kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường chia sẻ và trao đổi học thuật về các vấn đề chuyên môn mà các bên cùng quan tâm.

Bài và ảnh: Phòng Hợp tác quốc tế,

Khoa MT, BĐKH&ĐT, Phòng Truyền thông

 

Đang tuyển sinh