Tọa đàm: “Xu hướng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại khu vực Đông Nam Á”
10/11/2023 2023-11-10 9:56Tọa đàm: “Xu hướng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại khu vực Đông Nam Á”
Tọa đàm: “Xu hướng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại khu vực Đông Nam Á”
Sáng 09/11/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Xu hướng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại khu vực Đông Nam Á”. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học UNC 2024.
Quang cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có PGS TS Sun-Young Shin – Trường Đại học Indiana, Mỹ – diễn giả chính của Hội thảo; PGS.TS Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐH QG Hà Nội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài; TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – Trưởng phòng Khoa học & Công nghệ, ĐHNN, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS Hoàng Tuyết Minh – Giảng viên CC, Trường Quốc tế, ĐHNN, ĐHQG Hà Nội; cùng đại diện lãnh đạo các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Hà Nội, ĐH Mỏ, ĐH Giao thông vận tải… Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Thị Thanh Thùy – Trưởng khoa NNKT; cùng đại diện các tổ chức chính trị xã hội, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường; các thầy cô nguyên lãnh đạo Khoa, Bộ môn NNKT, các thế hệ giảng viên, viên chức của Khoa NNKT qua các thời kỳ, cùng các thế hệ cựu học viên, cựu sinh viên và học viên, sinh viên của Khoa NNKT.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng chia sẻ, năng lực tiếng Anh đã trở thành một năng lực thiết yếu của người lao động trong thời đại toàn cầu hoá và công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên việc giảng dạy tiếng anh chuyên ngành (ESP) cũng như xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo các học phần tiếng Anh thế nào cho hiệu quả và đạt được các mục tiêu đầu ra, đáp ứng được nhu cầu cho người học vẫn đang là một câu hỏi lớn cho nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trường đa ngành và liên ngành. Nhiều khái niệm và câu hỏi lớn cũng đang là thách thức với nhà quản lý cũng như cán bộ chuyên môn ở những trường đại học này liên quan đến nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh cơ sở, tiếng Anh chuyên ngành, dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh…
Chính bởi vậy, nhằm tạo ra một diễn đàn chuyên nghiệp, qua đó chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cũng như học hỏi từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về việc giảng dạy ESP, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Xu hướng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại khu vực Đông Nam Á”. Toạ đàm hôm nay là sự kiện trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế chuyên nhằm giúp các nhà giáo dục, các giảng viên, sinh viên, có cái nhìn toàn diện về việc giảng dạy ESP và các xu hướng hiện đại trong nghiên cứu ESP ở Đông Á, cũng như trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – PGS. Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.
PGS.TS Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội phát biểu
PGS TS Sun-Young Shin – Trường Đại học Indiana, Mỹ trình bày tham luận tại Tọa đàm
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi tích cực về một số nội dung như: các chính sách và vấn đề quản lý trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành; Cơ sở lý luận về dạy học tiếng Anh chuyên ngành (bao gồm cả ESP, CBI, CLIL, EMI và các quan điểm tiếp cận liên quan); Phương pháp và thực hành giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành (bao gồm cả ESP, CBI, CLIL, EMI và các quan điểm tiếp cận liên quan); Đánh giá người học chương trình tiếng Anh chuyên ngành (bao gồm cả ESP, CBI, CLIL, EMI và các quan điểm tiếp cận liên quan); Đào tạo giáo viên ESP, CBI, CLIL, EMI và các quan điểm tiếp cận liên quan…
Các chuyên gia trao đổi và chia sẻ tại Tọa đàm
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông