Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách tài khóa nhằm giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung” và công bố Báo cáo PSPR năm 2022 của Ngân hàng Thế giới
12/05/2023 2023-05-12 21:47Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách tài khóa nhằm giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung” và công bố Báo cáo PSPR năm 2022 của Ngân hàng Thế giới
Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách tài khóa nhằm giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung” và công bố Báo cáo PSPR năm 2022 của Ngân hàng Thế giới
Sáng ngày 12/5/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chính sách tài khóa nhằm giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung” đồng thời công bố Báo cáo Nghèo đói và Thịnh vượng chung (PSPR) năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Đỗ Thành Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; TS. Matthew Wai-Poi – Chuyên gia Kinh tế trưởng WB; TS. Laura Rodriguez Takeuchi – Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB; TS. Judy Yang – Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học; GS.TS Trần Thọ Đạt – Ủy viên HĐLLTW, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn Trường; nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới DC – Hoa Kỳ; đại diện lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đại diện từ các tổ chức quốc tế: Bộ Ngoại giao và Thương mại Chính phủ Úc (DFAT), Tổ chức quốc tế UNDP, UNICEF và Oxfam tại Việt Nam.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định tầm quan trọng trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế, với những nỗ lực thúc đẩy phúc lợi của người dân với chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu cải cách hệ thống tài khóa tiến bộ hơn, đồng thời tìm ra dư địa tài khóa để tài trợ cho các khoản đầu tư công cần thiết nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập cao.
Trao đổi về một số vấn đề thời sự trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho rằng cần thiết phải cập nhật tình hình quốc tế, các bài học kinh nghiệm và đúc kết các đề xuất chính sách cho phát triển địa phương, trong đó chính sách tài khoá và phúc lợi người dân là đặc biệt quan trọng.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, là một trường trọng điểm quốc gia đã khẳng định được vị thế là một trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn kinh tế, quản trị kinh doanh lớn, có uy tín hàng đầu của Việt Nam. Các hoạt động học thuật của Trường đã có đóng góp lớn vào quá trình xây dựng chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp. Trường đã đặt mục tiêu phát triển trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, có uy tín, đạt chất lượng đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Giáo sư Phạm Hồng Chương khẳng định, chủ đề Chính sách tài khóa nhằm giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung cũng chính là một trong những thảo luận nóng của Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như cái cơ quan, các nhóm nghiên cứu tư vấn chính sách nói riêng rất quan tâm và đã có những nghiên cứu cũng về chủ đề này. “Chúng ta cũng đã biết Bộ Tài chính cùng các ban ngành liên quan thuộc Chính phủ đã có những thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng ngay trong tháng 5 này, với mục tiêu hỗ trợ người dân và nền kinh tế phục hồi sau Covid-19. Tuy nhiên, đó chỉ là một quyết sách tài khoá. Bên cạnh đó, để định hướng cho cả một nền kinh tế, rất cần sự cân nhắc tổng thể, xem xét tác động tổng thể của toàn bộ chính sách tài khoá tới phúc lợi người dân”.
“Ở cương vị cũng là nhà nghiên cứu, tôi đặc biệt kỳ vọng buổi Hội thảo ngày hôm nay sẽ sắc nét định hướng cho chúng ta một góc nhìn quan trọng cho việc thảo luận chính sách Việt Nam trong tương lai gần, đồng thời hoàn toàn tin tưởng rằng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng như các cơ quan phát triển quốc tế khác, không đơn thuần là đối tác phát triển với Việt Nam, mà còn là tổ chức của tri thức quốc tế sẽ có những hợp tác trong nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, và thông qua vị thế của Trường, các khuyến nghị chính sách sẽ đi vào được cuộc sống” – Giáo sư Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu
Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong thập kỷ vừa qua, công cuộc giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được các kết quả đầy ấn tượng. Tính trung bình, mức tiêu dùng hộ gia đình đạt tăng trưởng cao, ở mức khoảng 5%/năm. Căn cứ chuẩn nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) của World Bank (3,2 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020. Có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020.
Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Một số nhóm có nhiều cơ hội vươn lên tầng lớp kinh tế cao hơn…
Trong các giải pháp được đưa ra để tiến tới mục tiêu là quốc gia thu nhập cao, các chuyên gia của World Bank khuyến nghị nên tập trung vào các chính sách tài khóa vì đây là công cụ mạnh mẽ của Chính phủ có thể đem lại thịnh vượng chung cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chính sách tài khóa của Việt Nam có nhiều khả năng đạt kết quả tốt hơn về đầu tư cho tăng trưởng bao trùm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia trở nên giàu có hơn một phần nhờ đầu tư công nhiều hơn vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bao trùm.
Chính sách cần có mục tiêu kép để vừa xử lý những thách thức về tình trạng đói nghèo trong hiện tại, vừa đặt nền tảng nhằm thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao. Những thách thức đó có trở thành rào cản ngày càng lớn trong ngắn hạn, hay rào cản dài hạn trong lộ trình nâng cao phúc lợi của các hộ gia đình ở Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc vào sự ưu tiên và hành động chính sách./.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Chiều cùng ngày, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có buổi tiếp đón và làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng thế giới. Thay mặt lãnh đạo Trường, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếugửi lời cảm ơn đến World Bank đã hợp tác tích cực và hỗ trợ Nhà trường trong nhiều nghiên cứu, báo cáo có sức ảnh hưởng lớn. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo hai bên cũng đã có những trao đổi hết sức cởi mở về các cơ hội mở rộng hợp tác trong tương lai./.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD trao đổi và trò chuyện với các chuyên gia đến từ WB
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD trao quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, các đại biểu tham dự buổi làm việc
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông